Dầu khởi sắc từ đợt bán tháo trong phiên trước đó
Các hợp đồng dầu thô tương lai phục hồi vào ngày thứ Ba (20/7) khi những người tham gia thị trường tranh nhau tận dụng bắt đáy 2 tháng của dầu đã ghi nhận trong phiên trước đó.
Đợt bán tháo vào ngày thứ Hai (19/7), do lo ngại về sự suy giảm nhu cầu trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, đã khiến giá dầu sụt 7% và ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro khác. Trong khi chứng khoán tránh được đợt bán tháo mới vào ngày thứ Ba, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức cũng giảm như một lời nhắc nhở rằng nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại.
“Có những người bắt đáy đang cố gắng tận dụng đà giảm này”, Bob Yawger, Giám đốc giao dịch cách hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho, nhận định.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 73 xu (tương đương 1%) lên 69.35 USD/thùng, sau khi rớt 6.8% vào ngày 19/7. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.5% lên 67.42 USD/thùng sau khi chạm mức đáy trong phiên là 65.21 USD/thùng. Hợp đồng này đã sụt 7.5% vào ngày 19/7.
Tuy nhiên, thị trường vẫn hoài nghi rằng đà tăng giá dầu có thể kéo dài.
Stephen Brennock của Công ty môi giới dầu PVM chia sẻ: “Thị trường rõ ràng đang bất ổn về triển vọng nhu cầu”.
Biến thể Covid-19 Delta đã trở thành chủng virus phổ biến trên toàn thế giới, các quan chức Mỹ cho biết vào ngày 16/7.
Chuyên gia phân tích Carsten Menke của Julius Baer nhận định: “Biến thể này không có khả năng gây nguy hiểm cho sự phục hồi tăng trưởng toàn cầu, mặc dù nó có thể gây ra ‘những trục trặc trong khu vực’”.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thắt chặt trong ngắn hạn đã lấn át những lo ngại về nhu cầu liên quan đến dịch bệnh Covid-19.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo sẽ giảm trong tuần trước, tuần thứ 9 liên tiếp. Dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào ngày thứ Tư (21/7).
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6.6% vào năm 2021. Tổ chức này và các đồng minh, được gọi là nhóm OPEC+, đã đồng thuận hôm Chủ nhật (18/7) sẽ tăng sản lượng từ tháng 8/2021.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|