Phí, giá tăng vọt, cảnh báo nguy cơ lạm phát
Không chỉ có giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi... mà một loạt các loại phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cũng tăng và “dọa” tăng. Chuyên gia dự báo có thể “sờ thấy” nguy cơ lạm phát rất gần.
Nhiều loại phí vận tải biển, phí hàng không tiếp tục tăng đẩy nguy cơ lạm phát tăng. Ảnh: Ng.Nga
|
Cước, phí, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi đều tăng
Sau khi tăng vọt cao gấp 7 - 10 lần cước vận tải từ cuối năm ngoái đến nay và dù áp lực thiếu container rỗng đã giảm, áp lực kênh đào Suez bị nghẽn cũng đã được khơi thông, áp lực đứt gãy chuỗi cung ứng vì Covid-19 đã được khắc phục... thế nhưng các hãng tàu ngoại hoàn toàn không có dấu hiệu hạ giá cước vận tải biển. Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gồng mình chi trả cước phí vận tải biển cao gấp chục lần. Mới đây, một số hãng tàu lớn quốc tế như Hapag-Lloyd, CMA CGM, MSC... lại “đánh tiếng” sẽ tăng một số loại phí liên quan dịch vụ vận tải biển từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6. Chẳng hạn phí tăng giá chung, phí hàng khô, hàng vượt khổ, phụ phí mùa cao điểm mới, cước vận chuyển hàng hóa các loại... trên một số tuyến vận tải biển quốc tế, trong đó có tuyến huyết mạch từ Việt Nam sang Mỹ, mức tăng từ 300 - 1.000 USD/container.
Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì dư địa kiểm soát lạm phát không còn nhiều. Các nhà hoạch định chính sách phải tỉnh táo, thận trọng theo dõi vấn đề có hay không có lạm phát, nguy cơ đã trở thành hiện thực chưa để chuẩn bị các chính sách kiểm soát kịp thời.
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách
|
Trước đó, từ ngày 9.5, Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) cũng báo tăng phí quản trị hệ thống thêm 100.000 đồng/chặng, áp dụng trên tất cả các chuyến bay nội địa, đối với tất cả các nhóm giá vé. Ngay sau đó, từ 10.5, Bamboo Airways cũng tăng phí quản trị hệ thống thêm 90.000 đồng/chặng đối với vé lẻ và vé đoàn. Việc này khiến giá vé máy bay rơi vào tình trạng thuế phí cao hơn tiền vé.
Trên thị trường thức ăn chăn nuôi, ngày 13.5, thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các đại lý thức ăn chăn nuôi khu vực miền Nam... cho biết, các doanh nghiệp lớn cung ứng thức ăn chăn nuôi như Cargill, C.P, Vina, ADM, ABC Việt Nam... liên tục có thông báo gửi khách hàng tăng giá bán thức ăn. Tính từ đầu năm đến nay, các hãng cung cấp thức ăn chăn nuôi đã có cả chục thông báo tăng giá, trung bình mức tăng mỗi lần từ 300 - 400 đồng/kg. Bộ NN-PTNT cho biết giá thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay đã tăng cao nhất đến 30% và dự báo tiếp tục tăng trong quý 2. Còn theo tính toán thực tế của các đại lý, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng đến 35 - 40%.
Riêng vật liệu xây dựng đã trải qua một cơn bão tăng giá với sắt thép tăng hơn 40% chỉ trong một thời gian ngắn. Các loại khác như xi măng, cát, bao bì... cũng tăng vọt, đẩy một loạt nhà thầu đứng trước nguy cơ phá sản.
Dư địa kiểm soát không còn nhiều
Trong bối cảnh trên, Văn phòng Chính phủ mới đây phát thông báo yêu cầu tìm hiểu chặn đường tăng giá sắt thép, ưu tiên sắt thép cho thị trường nội địa và giữ bình ổn giá xăng dầu... Với nguy cơ các loại phí dịch vụ cảng biển có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, ông Nguyễn Lý Trường An, cho rằng Việt Nam chủ yếu đi nội địa và tuyến ngắn khu vực Đông Nam Á, không có tuyến quốc tế, nên phải chấp nhận bị thao túng về giá bởi các hãng tàu thế giới là điều dễ hiểu.
Từ hàng hóa đến các loại phí dịch vụ tăng khiến nỗi lo nền kinh tế đang đối diện nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), lưu ý bàn chuyện liệu có hay không có lạm phát cần phải phân tích kỹ ở nhiều góc độ.
Cụ thể, hiện nay có 2 xung lực tác động đến giá cả thị trường. Thứ nhất là xung lực làm giá giảm: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài ảnh hưởng rất nhiều đến cả tâm lý và thu nhập của người dân, khiến sức mua giảm, dẫn đến giảm giá trên nhiều tuyến hàng. Ngược lại, có xung lực làm giá tăng, đó là lượng tiền “đổ” vào thị trường tài sản (bao gồm tuyến bất động sản và chứng khoán) đang ngày càng tăng. Tuy tuyến thị trường này không nằm trong “rổ” hàng hóa để tính lạm phát của cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, nhưng từ đây sẽ tác động chuyển sang các thị trường khác, làm tăng nhu cầu xây dựng hoặc các nhu cầu khác, làm giá một số mặt hàng tăng dần. Bên cạnh đó, để từng bước khắc phụ hậu quả do Covid-19 gây ra với nền kinh tế, mục đích chính là hỗ trợ doanh nghiệp, trong suốt thời gian qua, lượng tiền chảy ra nhiều. Đây cũng là một loại xung lực đẩy giá cả tăng cao.
Như vậy, theo ông Thành, lạm phát xảy ra khi việc tăng giá diễn ra trên tất cả các thị trường hàng hóa, dịch vụ... Thực tế, nhìn qua đời sống, giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhưng chỉ mang tính cục bộ. Cùng với đó, do sức mua chưa hồi phục nên mức độ tăng đang tạm thời được kìm hãm. Tuy xảy ra cục bộ nhưng tích lũy dần, khi xảy ra ở tất cả các nơi sẽ dẫn tới lạm phát. “Quá trình này xảy ra nhanh, rõ nên có thể khẳng định nguy cơ lạm phát là có”, ông nói.
Cũng theo vị này, dư địa kiểm soát lạm phát hiện nay của Việt Nam không còn nhiều vì nếu như thừa nhận có lạm phát, Chính phủ buộc phải có chính sách thắt chặt tiền tệ và điều chỉnh giá cả thị trường của nhiều tuyến. Như vậy sẽ làm khó cho các doanh nghiệp còn đang “thoi thóp”, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đã khó khăn càng khó khăn hơn. Dù vậy, các chính sách vẫn buộc phải triển khai vì nếu lạm phát bùng lên ở diện rộng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, giao dịch chủ yếu bằng tiền mặt, càng để lâu càng khó chữa. PGS-TS Nguyễn Đức Thành nhận định: “Đây là thời điểm rất nhạy cảm vì dư địa kiểm soát lạm phát không còn nhiều. Các nhà hoạch định chính sách phải tỉnh táo, thận trọng theo dõi vấn đề có hay không có lạm phát, nguy cơ đã trở thành hiện thực chưa để chuẩn bị các chính sách kiểm soát kịp thời”.
Hà Mai
Thanh niên
|