Tp.HCM đề xuất chủ động mua vaccine cho người dân
Ngoài việc kiểm soát, phòng chống, tiêm vaccine Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất cho phép chủ động mua vaccine từ từ nguồn kinh phí của Thành phố và xã hội hóa...
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình KT-XH trên địa bàn Thành phố.
|
Khẳng định thành phố đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, công tác tiêm vaccine Covid-19 cũng được thành phố tiến hành cho 59.000 người, người đứng đầu thành phố cũng đề xuất Chính phủ cho phép chủ động mua vaccine từ nguồn kinh phí của Thành phố và xã hội hóa.
ĐỀ XUẤT CHỦ ĐỘNG MUA VACCINE CHO NGƯỜI DÂN
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Tp.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2021 và giải quyết một số kiến nghị, đề xuất của thành phố vào sáng ngày 13/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố rất chú trọng phòng chống và đã kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Theo đó, từ ngày 27/4 tới nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hà Nam.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình KT-XH trên địa bàn Thành phố.
|
"Tp.HCM quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện thần tốc, quyết liệt, đồng bộ và chủ động, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn- Phát hiện- Cách ly- Khoanh vùng- Dập dịch”. Thành phố xác định đây là cuộc chiến thực sự, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phát triển dài hạn". Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
|
Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Tp.HCM cũng nêu ra các giải pháp phòng, chống dịch tương ứng với 6 nhóm nguy cơ của thành phố. Trong đó, ông nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai công tác phòng chống dịch. “Mọi trường hợp lơ là, chủ quan sẽ phải xử lý nghiêm theo quy định của Nhà nước”, ông Phong thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, Thành phố siết chặt kỷ luật kỷ cương trong quy định về xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở lưu trú chứa chấp người nhập cảnh trái phép.
Ngoài ra, Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó cho tình huống dịch bệnh lan rộng, nâng năng lực cách ly tập trung lên 10.000 người; xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm công suất lấy 50.000 mẫu/ngày, bảo đảm công suất xét nghiệm 15.000 mẫu/ngày và khi cần có thể huy động công suất xét nghiệm lên 50.000 mẫu/ngày.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định thành phố giữ mức cảnh giác cao nhất với dịch Covid-19. Công tác tiêm vaccine cũng được thành phố tiến hành triển khai nhanh chóng. Tính đến ngày 12/5, thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid 19 cho 59.000 người. Ông Phong cũng đề xuất Chính phủ cho phép được chủ động mua vaccine từ nguồn kinh phí của Thành phố và xã hội hóa.
NHIỀU "ĐIỂM NGHẼN" MONG ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Là Thành phố kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước), nhưng vốn đầu tư nước ngoài tại Tp.HCM chưa vượt trội; quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Việc chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn khiến Thành phố chưa tạo ra được hệ thống cơ sở kinh tế vững chắc, làm tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kế hoạch năm 2021 của Thành phố là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên. Để làm được điều này, người đứng đầu Tp.HCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, là những "điểm nghẽn" vượt quá thẩm quyền giải quyết của Thành phố.
Cụ thể như phân cấp, phân quyền cho Tp.HCM trong một số lĩnh vực trong quý 2/2021; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025 là 23%, thay vì 18% như giai đoạn hiện nay; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.
Tp.HCM cũng kiến nghị một số nội dung cụ thể liên quan tới phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển quỹ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; Dự án cao tốc Tp.HCM-Mộc Bài, các dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án Vành đai 4; Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức…
Tp.HCM hiện vẫn là thành phố có đóng góp lớn nhất cho cả nước về quy mô kinh tế và thu ngân sách, nhưng tốc độ tăng trưởng của Thành phố trong những năm gần đây đang có xu hướng chậm lại.
Dù đóng góp khoảng 27% ngân sách quốc gia, nhưng tỷ lệ giữ lại của Tp.HCM lại thấp nhất cả nước, giảm từ 23% xuống còn 18% trong chu kỳ ngân sách 2017 - 2021. Do đó, ngoài những kiến nghị nêu trên, Tp.HCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho Tp.HCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23% (bằng mức giai đoạn 2011 - 2016). Nếu được Chính phủ chấp thuận thông qua đề án này trong năm 2021, Tp.HCM mới hy vọng có nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Minh Tâm -
VnEconomy
|