Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về việc, kiểm dịch hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu, từ đông lạnh cho đến chế biến sâu là biện pháp kiểm soát quá mức, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có thông tin cụ thể về vấn đề này.
Không kiểm dịch đối với sản phẩm động vật thủy sản chế biến chín, đóng bao bì kín khí. Ảnh minh họa
|
Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, trong những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản về công tác kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh thuộc chức năng nhiệm vụ được giao.
Theo đó, về lĩnh vực kiểm dịch thủy sản cũng đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cụ thể: Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; các nội dung được cắt giảm và đơn giản hóa.
Cụ thể, danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được áp mã HS (8 số), được cắt giảm nhiều so với trước đây, cụ thể đã cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước đây (được cắt giảm 36%).
Về tần suất lấy mẫu, thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Theo đó, đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra); đối với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) thực hiện lấy mẫu của 3 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu). Cục Thú y không thực hiện việc kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.
Chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản cũng được cắt giảm. Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống/đông lạnh/ướp lạnh đã cắt giảm 2/6 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 33,33%). Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế đã cắt giảm 3/7 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 42,85 %). Đối với Nhóm sản phẩm thủy sản chế biến đã cắt giảm 4/8 chỉ tiêu kiểm tra (được cắt giảm 50%).
Hiện, Cục Thú y đang phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT rà soát Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT và khẳng định không có chuyện mở rộng “danh mục hàng thủy sản” phải kiểm dịch như một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.
Cục Thú y cho biết thêm, đối với sản phẩm động vật thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước, cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu cũng tổ chức thực hiện việc kiểm dịch rất chặt chẽ, cụ thể:
Đối với sản phẩm tôm đông lạnh (bỏ đầu, bỏ vỏ) của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Australia, mỗi lô hàng trước khi đưa vào cơ sở sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường này phải được lấy mẫu xét nghiệm các bệnh Đốm trắng, Đầu vàng (phương pháp xét nghiệm bệnh phải theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới-OIE). Đồng thời, mỗi lô hàng khi cập cảng Australia tiếp tục được lấy mẫu để xét nghiệm lại các bệnh nêu trên, nếu không có mầm bệnh và đáp ứng các yêu cầu khác thì mới được phép nhập khẩu.
Đối với các loại sản phẩm thủy sản (tôm, cá đông lạnh) từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc: Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc cũng yêu cầu các lô hàng sản phẩm thủy sản từ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường này phải được lấy mẫu xét nghiệm các bệnh (như hoại tử gan tụy, hoại huyết cá hồi…), nếu không có mầm bệnh mới được xuất khẩu. Đồng thời, các lô hàng tới Hàn Quốc cũng được cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc kiểm dịch chặt chẽ.
Từ năm 2019 đến hết quý I/2021, cơ quan có thẩm quyền của các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam đã tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện có 57 lô hàng sản phẩm thủy sản của Việt Nam có chỉ tiêu dịch bệnh, các lô hàng này đã bị xử lý theo quy định.