Đầu tư và bóng đá: Các cổ phiếu đến rồi đi nhưng lợi nhuận sẽ ở lại
Các đội bóng lớn luôn hướng đến những cầu thủ lớn. Tương tự như vậy, các định chế tài chính thường chỉ hướng đến những doanh nghiệp đã tạo lập được vị thế trên thị trường và sẽ còn tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Sức hút của những đội bóng lớn
Real Madrid là đội bóng duy nhất ở thời điểm hiện tại có thể bảo vệ được ngai vàng ở giải đấu danh giá UEFA Champions League. Đội bóng này có thể thi đấu không hay ở giải quốc nội nhưng ở đấu trường châu lục, Real luôn là tay chơi có hạng.
Với danh tiếng và độ chịu chơi của mình, đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha là giấc mơ của nhiều cầu thủ. Tại đây, họ sẽ có được sự nổi tiếng, được hưởng mức lương “khủng”, đem về những chiếc cúp danh giá và được chơi bóng bên cạnh những siêu sao hàng đầu.
Real Madrid được xem là đội bóng rất bạo chi trên thị trường chuyển nhượng nhưng họ không chi tiền vô tội vạ như PSG hay Manchester City. Chủ tịch Florentino Perez xây dựng đế chế của mình với hàng loạt các ngôi sao sáng nhất trong làng túc cầu thế giới và ông ít khi bị mua “hớ”. Dải ngân hà Galacticos 1.0 với Luis Figo, Ronaldo De Lima, Zinedine Zidane, Roberto Carlos, David Beckham... Dải ngân hà Galacticos 2.0 với Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, Toni Kroos, Modric… với 3 lần liên tiếp vô địch Champions League.
Dàn siêu sao trong dải ngân hà Galacticos 1.0. Nguồn: Internet
Các siêu sao cứ đến rồi đi nhưng danh hiệu thì ở lại
Nhìn lại lịch sử, Real Madrid nổi tiếng với việc kích nổ các bom tấn và cũng “hắt hủi” không ít công thần. Có rất nhiều cái tên từng góp công tạo nên sự vĩ đại của Kền Kền Trắng nhưng khi đã hết giá trị sử dụng thì sẽ bị vứt bỏ không thương tiếc. Nói một cách ngắn gọn, Real Madrid vĩ đại là nhờ tàn nhẫn.
Cristiano Ronaldo là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử của Real Madrid và mang lại nhiều danh hiệu cho câu lạc bộ nhưng lại bị bán cho Juventus trong mùa hè năm 2018. Khi ấy, chủ tịch Florentino Perez nghĩ rằng CR7 đã quá già và sẽ không còn đóng góp gì thêm cho đội bóng này nữa.
Những người đội trưởng mẫu mực từng gắn bó với câu lạc bộ trong suốt thời gian dài cũng không ngoại lệ. Fernando Hierro, Raul Gonzalez, Iker Casillas cũng ra đi không kèn không trống khi họ đã cống hiến hết giai đoạn đỉnh cao của mình.
Iker Casillas trong buổi họp báo chia tay Real. Nguồn: Goal.com
Tuy có phần nghiệt ngã cho các cầu thủ nhưng phong cách này đã mang lại rất nhiều thành công cho Real Madrid. Họ bán những cầu thủ mà câu lạc bộ nhận thấy khả năng cống hiến không lớn trong lúc giá trị chuyển nhượng không quá thấp ở hiện tại để mang về những ngôi sao mới tiềm năng nhằm tiếp tục cạnh tranh các danh hiệu trong tương lai.
Rời bỏ cổ phiếu cũ khi tìm được “siêu sao” mới
Người viết nhận thấy phong cách ở trên gần giống với phong cách đầu tư của các quỹ. Họ không thu mua “lúa non’ với số lượng lớn. Các nhà phân tích, các chuyên gia của những tổ chức này thường chỉ tập trung vào những công ty đã tạo được danh tiếng, có thị phần nhưng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng mạnh. Điều này sẽ làm giảm thiểu khả năng công ty bị “chết yểu” trong tương lai.
Các quỹ thường giữ cổ phiếu cho đến khi nhận ra công ty đã hết tiềm năng bứt phá trong tương lai. Các công ty đó vẫn có thể tiếp tục là công ty tốt nhưng khả năng có đột biến về doanh thu, lợi nhuận không còn nhiều thì cũng dễ bị đưa vào diện cần thanh lý.
Một ví dụ điển hình là quỹ đầu tư Arisaig Asia Consumer Fund. Quỹ này giữ cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) trong nhiều năm. Tuy nhiên, Arisaig Asia Consumer Fund đã thoái gần như hoàn toàn 30 triệu cổ phiếu VNM trong năm 2020. Song song với việc bán ra VNM, quỹ này cũng mạnh tay gom CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) từ các cổ đông ngoại khác như Pyn Elite Fund, Dragon Capital… thông qua giao dịch ngoài sàn. Rõ ràng, việc rời bỏ cổ phiếu cũ khi tìm được “siêu sao” mới là chiến thuật quen thuộc của các quỹ để đảm bảo sự tăng trưởng của danh mục đầu tư trong tương lai.
Biến động giá cổ phiếu VNM từ năm 2007 đến nay. Nguồn: VietstockUpdater
Thế Phong
FiLi
|