Đầu tư và bóng đá: Nhà không có gì ngoài tiền!
Phong cách đầu tư này đòi hỏi một lượng vốn lớn trong dài hạn và sự kiên trì cao. Nếu bạn muốn đạt được thành công lớn thì cần phải đầu tư lớn.
Không thể làm ra rượu vang từ nước lã
Sự thành công trong bóng đá không được tính bằng sự yêu mến của khán giả mà đo đếm thông qua các danh hiệu. Uli Hoeness, cựu chủ tịch CLB Bayern Munich, đã từng nói: “Chi tiền để có danh hiệu và danh hiệu sẽ tạo ra tiền. Người thành công là người chi tiền ít hơn nhưng lại có nhiều danh hiệu hơn”. Đây có thể coi là kim chỉ nam của các nhà quản lý cũng như ông chủ những đội bóng từ trước đến nay.
Uli Hoeness, cựu chủ tịch CLB Bayern Munich. Nguồn: Internet
Vấn đề là giữa lý thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách rất xa. Các đội bóng đều muốn chi tiền ít nhưng vẫn tạo ra nhiều danh hiệu nhưng trạng thái lý tưởng đó hiếm khi có thể đạt được. Các đội quá “khôn”, quá khắt khe tằn tiện trong chi tiêu thì dễ rơi vào trạng thái báo cáo tài chính thì tốt nhưng danh hiệu thì không có, luôn phải “ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu” như Arsenal, Borussia Dortmund. Bài viết này sẽ đi sâu vào một phong cách có phần “trọc phú”: Tiền nhiều mới có thể thành công!
Rafael Benitez có lẽ là một trong những huấn luyện viên hiểu rõ nhất tầm quan trọng của tiền bạc trong bóng đá. Khi chứng kiến những ông chủ người Mỹ của Liverpool quá keo kiệt trong chi tiêu, ông đã nói một câu nổi tiếng: “Dù tôi có lao động 20 giờ mỗi ngày thì cũng không thể làm ra rượu vang từ nước lã được”. Với một đội hình làng nhàng ở mức trung bình thì khó có thể mơ đến chức vô địch Premier League hay Champions League.
Điều này phần nào cảnh tỉnh những nhà đầu tư thích mua những cổ phiếu có giá thấp. Warren Buffett đã từng đúc kết kinh nghiệm cho các nhà đầu tư: “Thà mua một công ty tốt với cái giá trung bình còn hơn là một công ty trung bình với giá tốt”. Nền tảng cơ bản của các cổ phiếu là rất quan trọng. Bạn khó có thể đòi hỏi một cổ phiếu xấu lại trở thành một khoản đầu tư tốt được.
Nguồn: Pandemic Impact Fund
Sự quan trọng của tiền bạc trong bóng đá và đầu tư
Hai đội bóng có ông chủ đến từ Trung Đông là Paris Saint-Germain (PSG) và Manchester City là những đại diện tiêu biểu nhất cho phong cách “nhiều tiền”.
Manchester City được thành lập năm 1880 bởi Anna Connell cùng hai thành viên trong nhà thờ St.Mark tại Gorton, một quận phía đông thành phố Manchester. Tuy nhiên, đội bóng liên tục bị lép vế so với đối thủ cùng thành phố là Manchester United với nhiều lần xuống hạng, những khó khăn về tài chính và thất bại cay đắng trước các đối thủ.
Tháng 08/2008, đội bóng được mua bởi tập đoàn Abu Dhabi United. Ngay lập tức, Manchester City bắt đầu mua những cầu thủ đắt giá và phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng tại nước Anh. Các danh hiệu liên tục đến sau đó.
Man City vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2018-2019. Nguồn: The Guardian
Câu chuyện của PSG cũng tương tự như vậy. Sau rất nhiều năm thi đấu không thành công, vào tháng 05/2011, Quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority (QIA) trở thành chủ nhân mới của Paris Saint-Germain. Từ đó, PSG gần như liên tục vô địch Ligue 1 và trở thành “khách quen” của Champions League.
Để xây dựng đội bóng mạnh, bạn cần có huấn luyện viên giỏi và cầu thủ giỏi. Những thứ này đều phải chi tiền mới có được. Không tiền thì không thể thuê được những huấn luyện viên hàng đầu. Ngoài ra, với nguồn lực tài chính dồi dào, các đội bóng mới có thể mua được “hàng hiệu”. Zlatan Ibrahimovic, Edinson Cavani, Neymar… sẽ không đến PSG nếu đội bóng này không chịu chi những khoản tiền khổng lồ.
Các môi giới trong thị trường chứng khoán cũng hoạt động với tư duy như thế: “Gió tầng nào sẽ gặp mây tầng đó”. Bạn không thể đòi hỏi ông trưởng phòng môi giới tư vấn trực tiếp cho mình nếu tài khoản chỉ có vài trăm triệu. Nếu muốn gặp chuyên gia giỏi thì nhà đầu tư cần có nhiều tiền.
Buôn tài không bằng dài vốn
Một điểm yếu của những nhà đầu tư ít tiền là họ không đủ nguồn lực để chịu đựng những đợt sụt giảm bất ngờ. Điều này đặc biệt đúng khi nhà đầu tư theo chiến lược bình quân giá xuống (càng xuống càng mua). Khi những sự kiện kiểu “thiên nga đen” xuất hiện thì mức thua lỗ sẽ vượt quá tầm kiểm soát và dễ dẫn đến cắt lỗ trong hoảng loạn.
Chúng ta hãy lấy một thí dụ để dễ hình dung hơn. Nhà đầu tư A có 3 căn nhà cho thuê và tạo ra nguồn thu nhập ổn định hàng tháng khoảng gần 100 triệu đồng. Nhà đầu tư B chỉ có một khoản tiền cố định và không có nguồn bổ sung thêm. Với nền tảng này, tâm lý giao dịch của nhà đầu tư A sẽ thoải mái hơn nhà đầu tư B.
Mặt khác, nhà đầu tư A thậm chí có thể “nâng tầm” phương pháp này bằng cách khi chứng khoán phát sinh những khoản lãi “khủng” thì có thể chốt lãi toàn bộ danh mục và đi mua bất động sản để tạo dòng thu nhập thu động. Dòng thu nhập này sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán khi có cơ hội đầu tư.
Các nhà đầu tư kiểu này thường chọn những cổ phiếu dạng “too big to fail” như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB), Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSE: GAS)… để hạn chế rủi ro. Thời gian nắm giữ cũng rất dài vì đây không phải là những người có nhu cầu lướt sóng.
Đồ thị cổ phiếu VCB. Nguồn: VietstockUpdater
Thế Phong
FILI
|