Định hướng phát triển doanh nghiệp gia đình trong năm 2021
Báo cáo về doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam lần đầu được PwC ra mắt nhằm mang đến cái nhìn thực tế về những trăn trở hiện nay và định hướng phát triển của các doanh nghiệp gia đình đứng trước môi trường kinh doanh và xã hội đang thay đổi.
Theo khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Toàn cầu lần thứ 10 của PwC được thực hiện với sự tham gia của trên 2,800 lãnh đạo doanh nghiệp tại 87 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giai đoạn từ ngày 5/10/2020 - 11/12/2020. Trong đó, 33 lãnh đạo và người ra quyết định từ các doanh nghiệp gia đình tiêu biểu tại Việt Nam đã đóng góp ý kiến qua phỏng vấn trực tuyến.
Theo báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình 2021 - Góc nhìn Việt Nam của PwC, 65% các doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Triển vọng cho 2022 tích cực hơn, với 3 trong 4 lãnh đạo được hỏi tự tin về tăng trưởng doanh nghiệp, và 33% dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra “nhanh” và “mạnh mẽ” - cao hơn tỷ lệ ghi nhận được ở cấp độ khu vực là 28% và trên toàn cầu là 21%.
Hướng đến những kỳ vọng tăng trưởng này, báo cáo cho biết mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu. 55% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, và 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới. Trong bối cảnh đại dịch đang đánh dấu những thay đổi mang tính lâu dài, việc nhìn nhận lại hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng là mối quan tâm ưu tiên đối với 52% các doanh nghiệp được khảo sát.
Phân tích từ báo cáo cho thấy sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn. 45% doanh nghiệp gia đình đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới, cho thấy nhu cầu tạo ra nguồn thu bền vững để sẵn sàng cho những gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai. Chủ yếu mô hình vận hành hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu hoặc gia đình quản lý (lần lượt 52% và 36%) - điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành, với tỷ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới. Trên một nửa (52%) doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự kiến thế hệ kế nghiệp sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ 36% doanh nghiệp cho biết đã định sẵn kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo dịch vụ doanh nghiệp gia đình và tư nhân tại PwC Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp gia đình đang phải thích ứng với tốc độ thay đổi chưa từng có. Bên cạnh kế hoạch chiến lược, các doanh nghiệp gia đình cần tập trung đồng đều vào việc xây dựng kế hoạch kế thừa. Trong đó, một khởi đầu vững chắc sẽ giúp trang bị cho thế hệ tương lai những công cụ cần thiết để thúc đẩy và định hướng phát triển đúng đắn cho doanh nghiệp.”
Thách thức về năng lực số và khả năng thích ứng có thể là rào cản tăng trưởng
Mặc dù kết quả từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. Chỉ 30% doanh nghiệp tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, so với tỷ lệ toàn cầu là 38%. Bên cạnh đó, chỉ 9% doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn tự tin vào năng lực số. Sự chênh lệch này phần nào có thể được lý giải bởi mức độ kháng cự đối với thay đổi còn ở mức cao, cụ thể ở 67% các doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát. Chỉ số này cao hơn đáng kể so với cấp độ khu vực là 29% và trên thế giới là 33%.
Ông Johnathan Ooi nhận định: “Việc thiếu hụt những năng lực và công cụ số cần thiết để đáp ứng những thay đổi nhanh chóng như hiện nay sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho nhiệm vụ bảo vệ di sản của các doanh nghiệp gia đình. Tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số sẽ không dừng lại ở việc thu hẹp khoảng cách công nghệ. Chuyển đổi số cần gắn liền với những thay đổi từ bên trong văn hóa doanh nghiệp, cần được hỗ trợ và tham gia tích cực từ phía lãnh đạo, cũng như cam kết về nâng cao kỹ năng cho nguồn nhân lực.”
Năm 2019, chúng tôi đã đặt ra câu hỏi cho thế hệ kế nghiệp tại Việt Nam về lĩnh vực mà họ tin rằng có thể đóng góp tích cực nhất cho doanh nghiệp gia đình: 55% tự tin vào khả năng giúp doanh nghiệp phát triển phù hợp với thời đại số. “Các doanh nghiệp nên cân nhắc làm sao để tận dụng những hiểu biết và góc nhìn mới mà thế hệ kế nghiệp – với thế mạnh sẵn có về kỹ thuật số - có thể đóng góp, thúc đẩy ưu tiên quan trọng về số hóa cho doanh nghiệp”, ông Johnathan nhấn mạnh.
Các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị cần được tập trung nhiều hơn
Báo cáo đồng thời chỉ ra rằng để giữ vững di sản cho doanh nghiệp gia đình, việc cân nhắc đưa các tiêu chí liên quan tới ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào kế hoạch phát triển doanh nghiệp đang trở nên ngày một cấp thiết.
Trong 1 năm doanh nghiệp phải thay đổi cách thức đáp ứng các nhu cầu đặt ra bởi xã hội và môi trường, nguy cơ tụt hậu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và rộng hơn là các tiêu chí EGS có thể tạo ra rủi ro kinh doanh tiềm ẩn.
Trong khi đa số các doanh nghiệp gia đình Việt Nam (85%) cho biết có tham gia vào các hoạt động trách nhiệm xã hội khác nhau, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững hiện ở vị trí rất thấp trong danh sách ưu tiên kinh doanh. Theo đó, chỉ 21% doanh nghiệp tham gia cảm thấy có trách nhiệm với vấn đề biến đổi khí hậu, thấp hơn tỷ lệ 50% cùng ghi nhận được ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và toàn cầu.
Ông Johnathan Ooi nhận xét: “Thế giới đang thay đổi, và công thức cho thành công bền vững của các doanh nghiệp gia đình cũng vậy. Để sẵn sàng cho ngày mai, các doanh nghiệp gia đình cần có phương pháp tiếp cận mới để nâng cao và phát huy giá trị di sản: dựa trên việc đón đầu chuyển đổi số, tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu phát triển bền vững, và chuyên nghiệp hóa quản trị gia đình.”
Minh Hồng
FILI
|