Làm gì để bảo vệ ngành thép trước xu hướng kiện phòng vệ thương mại?
Là một ngành hàng trong nhóm xuất khẩu tỷ đô, thép và sản phẩm thép luôn giữ vững mức tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều khó khăn mà ngành này cần phải tháo gỡ.
Sản phẩm thép ống cỡ lớn của Hoà Phát. Ảnh: Thép Hoà Phát.
|
Năm 2020, trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn mất cả tỷ USD vì dịch COVID-19 tác động trên toàn cầu thì xuất khẩu sản phẩm sắt thép vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu thép các loại đạt gần 8 triệu tấn với trị giá đạt 4.19 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành thép đang tiếp tục đối mặt với những khó khăn như phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và rủi ro đối diện với các vụ kiện thương mại tăng cao…
“Truyền thống”… bị khởi kiện
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính từ năm 2004 đến năm 2020, đã có 62 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép. Trong đó, có 34 vụ việc chống bán phá giá; 3 vụ chống trợ cấp cùng nhiều vụ việc chống tự vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
Mới đây nhất, có thêm 5 quốc gia đang thực hiện điều tra chống bán phá giá lên sản phẩm tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có 2 quốc gia trong khu vực thị trường chính Đông Nam Á là Malaysia và Philippines. Thép chống ăn mòn đang bị áp thuế 2.3-16.2% tại Canada; thép carbon cuộn nguội, không cuộn nguội bị áp thuế 6.97-51.61%; ống thép bị áp 6.97-51.61% tại Thái Lan; thép mạ bị áp thuế 3.17-38.34% tại Hàn Quốc… Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo xem xét gia hạn các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước điều tra 203 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu. Và, sản phẩm thép vẫn là sản phẩm bị điều tra nhiều nhất, chiếm gần 40% các vụ việc.
“Mặt hàng thép là “đối tượng truyền thống” bị khởi kiện, không phải mới xuất hiện những năm gần đây”, ông Lê Triệu Dũng cho biết.
Nguyên nhân khách quan của việc gia tăng các vụ kiện với sản phẩm thép, theo ông Dũng là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản.
Chưa kể, thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn. Đây là lý do nhiều nước gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ sản xuất nội địa.
Nói đến sản phẩm thép, không thể không nói đến Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thép Trung Quốc là đối tượng của nhiều vụ việc phòng vệ thương mại. Do đó, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cùng chủng loại với Trung Quốc cũng có nhiều khả năng bị các nước chú ý điều tra để chống lẩn tránh thuế.
Ngành thép Việt Nam hiện đang phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, kể cả cán nóng, thép phế… nên trong một số vụ việc bị các nước coi là “lẩn tránh” biện pháp phòng vệ thương mại khi sử dụng thép nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Việt Nam thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ… là các nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới. Do đó, khi có sự nghi ngờ, cáo buộc với một trong số các nước nêu trên, cơ quan điều tra nước nhập khẩu thường có xu hướng kiện cả Việt Nam. Ngoài ra, việc Việt Nam bị một nước điều tra có thể dẫn tới “hiệu ứng domino”, tức là các nước khác cũng tiếp tục kiện Việt Nam với cùng sản phẩm”, ông Dũng nêu.
Một nguyên nhân nữa phải tính đến đó là giá thành thép Việt Nam hiện nay đang ở mức tương đối cạnh tranh, thương hiệu thép Việt Nam tạo uy tín trên nhiều thị trường khác nhau với việc tăng trưởng dương hằng năm… Điều này càng làm gia tăng nguy cơ bị khiếu kiện phòng vệ thương mại.
Hệ thống sổ sách kế toán của các doanh nghiệp thép hiện nay còn chưa chuyên nghiệp, chưa tương đồng với chuẩn mực quốc tế, do đó trong quá trình kháng kiện, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều bất lợi. Hơn nữa, một vụ việc bị áp thuế thường sẽ tạo tiền lệ xấu cho các vụ việc sau.
“Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đang đối diện nhiều khó khăn hơn khi các nước đều tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn như thay đổi yêu cầu về mức độ “chuyển đổi đáng kể”, yêu cầu cung cấp thông tin rất chi tiết, giới hạn việc gia hạn thời gian trả lời bản câu hỏi, mở rộng điều tra nhiều đối tượng…
Bên cạnh đó, trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, một số vụ việc cơ quan điều tra nước ngoài cho rằng nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành thép nói riêng chưa hoàn toàn vận động theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Ví dụ, trong vụ việc Canada điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cốt bê tông, cơ quan điều tra cáo buộc vấn đề tình hình thị trường thép cốt bê tông khiến cho giá thành thép cốt bê tông bị “bóp méo”, biên độ bán phá giá bị đẩy lên cao, không phản ánh đúng thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Lê Triệu Dũng cho biết.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã
Không chỉ liên tục hứng chịu các vụ việc điều tra nguồn gốc xuất xứ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc và Mỹ, mà các doanh nghiệp thép Việt Nam còn đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao.
Giá quặng sắt đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm 2020 và trở thành mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất trên toàn cầu năm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu mua nguyên liệu tăng cao trên thế giới.
Cuối tháng 12/2021, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng đến giá 174 USD/ tấn, theo các chuyên gia kinh tế, đây là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử và giá nguyên liệu sẽ còn tăng nữa trong năm 2021 vì các nước đều lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do COVID-19.
Theo các doanh nghiệp ngành thép, giá quặng sắt chiếm 30-35% chi phí sản xuất thép. Do đó khi giá nguyên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chẳng hạn Đại diện Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh. Đơn cử, giá thép cuộn cán nóng năm 2020 khoảng 360 USD/tấn nhưng hiện nay, đơn hàng giao tháng 5/2021 có giá gần 830 USD/tấn.
Doanh nghiệp này cũng lo ngại rằng, thời gian tới, nếu Trung Quốc tăng mức hoàn thuế xuất khẩu một số sản phẩm thép lên 13%, giá thép cán nóng có thể vọt lên 900 USD/tấn.
Gỡ khó, ứng phó và tận dụng cơ hội
“Việc Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện PVTM, trong đó có mặt hàng thép là điều tất yếu, không thể tránh khỏi khi tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng khẳng định.
Để ứng phó với tình trạng này, ông Lê Triệu Dũng cho rằng, việc quan trọng là phải tiếp tục tuyên truyền phổ biến quy định về PVTM. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp lớn đều đã có kiến thức về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách pháp luật liên quan tới phòng vệ thương mại hay có các kỹ năng cơ bản đủ để sử dụng hiệu quả công cụ này.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi thông tin cập nhật số liệu nhằm đưa ra cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu có giải pháp phòng ngừa vụ việc. Công tác phối hợp giữa các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài, với hiệp hội, ngành hàng cũng sẽ được đẩy mạnh.
“Trong quá trình có vụ kiện PVTM xảy ra, quan trọng nhất là doanh nghiệp cần chủ động tham gia, xử lý. Sự hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Thép Việt Nam khi xảy ra vụ việc vô cùng quan trọng để đáp ứng đúng quy định của nước nhập khẩu, kịp thời có ý kiến để bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời xem xét khả năng khiếu nại ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, ông Dũng nói.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu, nhất là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại…
Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, tránh quá tập trung vào 1 thị trường để giảm thiểu rủi ro khi vụ việc bị áp thuế ở mức khá cao.
Một thông tin khá tích cực được ông Dũng đưa ra, mặc dù số lượng vụ việc khởi kiện PVTM hiện nay tăng nhanh nhưng tỉ lệ xử lý, ứng phó đạt kết quả tích cực cao, giúp doanh nghiệp Việt Nam không bị bị áp thuế hoặc áp thuế thấp, giảm thiểu tác động tiêu cực tới xuất khẩu. Thậm chí trong một số trường hợp, các doanh nghiệp còn tận dụng được mức thuế PVTM thấp để tăng trưởng xuất khẩu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối các bộ, ngành và Hiệp hội liên quan, trong đó có Hiệp hội Thép để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương với các cơ quan cùng cấp tại các nước nhập khẩu, yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO cũng như các điều khoản ký kết trong các Hiệp định FTA khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam khi ứng phó kịp thời với các vụ kiện ở nước ngoài, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước.
Đối với vấn đề giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, theo nhận định của Công ty chứng khoán BSC (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV), cơ hội từ hội nhập và việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA không chỉ gỡ bỏ thuế quan cho sản phẩm thép mà còn mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có lợi thế về quặng sắt như Australia.
Ngoài ra, hơn 50% lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất phôi cũng là từ các nước thuộc CPTPP. Do đó, DN ngành thép có thể tận dụng cơ hội, mở rộng thị trường và đối tác hợp tác nhập khẩu để chủ động hơn trong vấn đề nguồn nguyên liệu đầu vào./.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhu cầu thép nội địa trong năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020., bởi nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như: cao tốc Bắc-Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành. Thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng mạnh.
Ngoài ra, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, ngành thép sẽ có thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1.826 tỷ USD trong quý 1/2021, tăng mạnh 65.2% (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Nhật Quang
FILI
|