Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: TISCO yêu cầu nhà thầu Trung Quốc thực hiện dự án
Đại diện Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO) cho biết, đơn vị này vẫn yêu cầu Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện theo hợp đồng và chưa kết thúc, dù có nhiều vướng mắc và sai phạm.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: Sơn Cường
|
Sáng 13.4, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 830 tỉ đồng tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Vụ án có 19 bị cáo, đều là cựu lãnh đạo, cán bộ TISCO hoặc Tổng công ty thép Việt Nam (VNS). Trong đó, có 14 người bị xét xử về tội “vi phạm quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; và 5 người bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo buộc, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư. Dự án được triển khai từ năm 2007 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỉ đồng, do Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) làm thầu chính.
Tháng 8.2008, sau hơn 11 tháng triển khai dự án, nhà thầu MCC đã tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa chọn nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.
Thay vì dừng hợp đồng với nhà thầu, thậm chí hủy đấu thầu, các bị cáo là lãnh đạo TISCO và VNS khi đó đã đàm phán với nhà thầu, đồng thời đề nghị các đơn vị hữu quan cho kéo dài thời gian thi công và tăng giá hợp đồng EPC hơn 138 triệu USD không có cơ sở. Ngoài ra, các bị cáo đã tách phần C trong hợp đồng EPC để cho nhà thầu phụ tham gia… Hành vi của các bị cáo đã làm thiệt hại hơn 830 tỉ đồng tài sản nhà nước.
Dự án chưa kết thúc, MCC vẫn phải thực hiện
Trả lời trước tòa, đại diện VNS được ủy quyền tham gia phiên tòa cho biết, dự án mở rộng sản suất giai đoạn 2 đã tạm dừng, mặc dù đã cố hết sức, tạo mọi điều kiện để tiếp tục dự án nhưng gặp rất nhiều khó khăn và chưa có biện pháp nào phù hợp. Sắp tới, VNS sẽ họp bàn và đưa ra những ý kiến, biện pháp để tiếp tục thực hiện dự án.
Về phía TISCO, đại diện đơn vị này cho biết đang yêu cầu MCC tiếp tục triển khai xây dựng dự án theo đúng hợp đồng EPC đã ký.
“Căn cứ theo Kết luận số 67 của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC thực hiện theo hợp đồng, vì MCC còn nhiều vướng mắc và vi phạm. Từ ngày 29.3, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng, kết thúc dự án”, đại diện TISCO nói trước tòa.
Về khoản thiệt hại 830 tỉ đồng, đại diện TISCO thừa nhận đây là số tiền thiệt hại thực tế, là số tiền lãi và doanh nghiệp này đã trả cho các ngân hàng. Tuy nhiên, dự án vẫn đang triển khai nên chưa biết thiệt hại cuối cùng, cần xem xét lại con số thiệt hại 830 tỉ đồng, bởi số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn, nghĩa là TISCO vẫn đang vay thông thường, phải trả lãi.
Ngoài ra, đại diện TISCO đề nghị tòa xem xét lại tư cách tham gia của doanh nghiệp này tại phiên tòa, bởi TISCO là nguyên đơn dân sự nhưng căn cứ bộ luật tố tụng Hình sự, nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường, và đến nay, TISCO chưa có đơn.
Theo Hội đồng xét xử, TISCO có 65% vốn nhà nước, nên trong số lãi phải trả có cả tiền của nhà nước, các thiệt hại khác, cơ quan điều tra đang làm rõ theo quy định.
Thái Sơn
Thanh niên
|