Chuyển giao trọng trách Chủ tịch nước, Thủ tướng
Sau khi miễn nhiệm chức danh Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng.
Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm đối với Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. ẢNH: GIA HÂN
|
Ngày 2.4, Quốc hội dành trọn 1 ngày cho công tác nhân sự với việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “hoàn thành xuất sắc trọng trách”
Đầu giờ sáng 2.4, Quốc hội (QH) bỏ phiếu miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một ngày trước đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình ra QH việc miễn nhiệm ông Phúc.
Sau khi bỏ phiếu, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có 446/452 đại biểu có mặt tán thành; có 6 đại biểu không tán thành thông qua nghị quyết này. Kết quả bỏ phiếu kín cho thấy, trong số 475 phiếu hợp lệ, có 40 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 435 đại biểu đồng ý.
Nghị quyết do Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký và sẽ có hiệu lực kể từ khi QH bầu được Thủ tướng mới. Như vậy, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục điều hành Chính phủ cho tới khi QH bầu được tân Thủ tướng. Theo dự kiến, tân Thủ tướng sẽ được QH bầu vào ngày 5.4, sau 2 ngày nghỉ thứ bảy và chủ nhật.
Sau khi miễn nhiệm chức danh Thủ tướng nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Thường vụ QH cũng trình QH việc miễn nhiệm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Vào đầu giờ chiều cùng ngày, QH đã bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Theo thông tin của Thanh Niên, trong số 467 phiếu hợp lệ, có 451 phiếu đồng ý miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 16 phiếu không đồng ý với việc miễn nhiệm này.
Ngay sau đó, với 438/440 đại biểu biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng. Nội dung nghị quyết nêu rõ, nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày QH bầu được tân Chủ tịch nước. Theo dự kiến, tân Chủ tịch nước sẽ được QH bầu vào sáng 5.4.
Phát biểu sau khi QH thông qua nghị quyết, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. “Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng trách nhiệm cao cả trước Đảng, nhân dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước”, ông Huệ nói.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay 77 tuổi và là Ủy viên T.Ư từ khóa VII (1.1994), Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII (1999) tới nay. Tại Đại hội XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 2 trường hợp "đặc biệt" Bộ Chính trị tái cử T.Ư khóa XIII. Sau đó, ông tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư khóa thứ 3. Trong nhiệm kỳ khóa XII, ông Trọng được QH bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 10.2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.
Trong báo cáo nhiệm kỳ gửi tới QH, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá nhiệm kỳ Chủ tịch nước vừa qua là “nhiệm kỳ đặc biệt khi có sự thay đổi về nhân sự”. Việc ông Trọng được miễn nhiệm vào cuối nhiệm kỳ QH để bầu Chủ tịch nước mới thì nhiệm kỳ này sẽ có tới 3 Chủ tịch nước cùng 1 tháng có quyền Chủ tịch nước.
“Dấu ấn nổi bật nhất là một Chính phủ vì dân”
Chiều 2.4, Ủy ban Thường vụ QH đã giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim Thủ tướng, để QH bầu làm Chủ tịch nước. Theo chương trình, QH sẽ bỏ phiếu kín để bầu Chủ tịch nước vào sáng 5.4, trước khi bầu Thủ tướng mới vào buổi chiều. Nếu được QH tín nhiệm bầu, ông sẽ trở thành Chủ tịch nước thứ 3 trong khóa này.
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi, là “trường hợp đặc biệt” đối với Ủy viên Bộ Chính trị tái cử tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ông cũng là đương kim Thủ tướng đầu tiên được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc là cử nhân kinh tế Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội (năm 1978), từng học quản lý kinh tế tại ĐH Quốc gia Singapore trong giai đoạn làm Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông vào Đảng Cộng sản VN năm 1982, là Ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII. Ông tham gia T.Ư lần đầu năm 52 tuổi, tham gia Bộ Chính trị lần đầu năm 57 tuổi. Ông Phúc cũng là đại biểu QH các khóa XI, XIII và XIV.
102 Ủy viên T.Ư được giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa XV
Chiều 2.4, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến ngành tổ chức xây dựng Đảng quý 1, triển khai nhiệm vụ công tác quý 2/2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính và Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo công tác quý 1 được trình bày tại hội nghị, Ban Tổ chức T.Ư đã phối hợp tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thống nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XV. Ban Tổ chức T.Ư đã tổng hợp, giới thiệu 167 người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 102 Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII tham gia ứng cử đại biểu QH khóa XV.
Lê Hiệp
|
Từ khi tham gia Ban Chấp hành T.Ư năm 2006, ông Phúc giữ các cương vị: Phó tổng thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó thủ tướng (từ 2011); và Thủ tướng (từ 2016).
Ông Nguyễn Xuân Phúc được ghi công trong việc góp phần đưa Quảng Nam thành một trong 13 tỉnh có nộp ngân sách về T.Ư với khu kinh tế Chu Lai. Trên cương vị Thủ tướng, ông được đánh giá là người có phong cách bình dân, gần gũi, quyết liệt trong chỉ đạo và năng động với “570 chuyến công tác lên rừng, xuống biển” (như trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ do ông trình bày trước QH). Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông được đánh giá cao khi Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu và thế giới có thay đổi lớn về địa chính trị.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Xuân Phúc, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Trong nhiệm kỳ, Việt Nam cũng ghi được tên tuổi lớn hơn trong khu vực và quốc tế, với thành công trong chống dịch Covid-19, thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội tháng 2.2019 cũng như là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào tháng 11.2017 tại Đà Nẵng. Trả lời báo chí bên hành lang QH kỳ họp 11 về dấu ấn nổi bật nhất về Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 mà ông là người đứng đầu, ông Phúc nói: “Dấu ấn nổi bật nhất là một chính phủ vì dân”.
Ông Đinh Tiến Dũng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định phân công ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính, giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Quyết định được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 31.3.
Sáng nay (3.4), Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt TP để công bố quyết định này. Ông Đinh Tiến Dũng (60 tuổi, quê quán xã Ninh Giang, H.Hoa Lư, Ninh Bình) có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, cử nhân kinh tế.
Ông Dũng từng đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Tổng kiểm toán nhà nước. Từ tháng 5.2013 đến nay, ông Dũng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Vũ Hân - Lê Hiệp
|
Sơn Thủy
Thanh niên
|