Thứ Năm, 01/04/2021 11:30

Vực dậy ngành mía đường trong nước: Khi cây mía không còn ngọt

Nông dân trồng mía cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đường nhưng nhiều năm nay chính họ là người liên tục nếm vị “đắng” khi giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng, vùng nguyên liệu mía dần bị thu hẹp.

Nông dân trồng mía liên tục nếm vị "đắng" do giá bán thấp. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Nông dân trồng mía cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đường nhưng nhiều năm nay chính họ là người liên tục nếm vị “đắng” khi giá bán giảm, chi phí sản xuất tăng, vùng nguyên liệu mía dần bị thu hẹp trong khi người nông dân loay hoay tìm sinh kế.

Nông dân quay lưng

Đồng hành cùng với sự hình thành, phát triển của ngành sản xuất mía đường hơn 20 năm qua, tuy nhiên những năm gần đây, người trồng mía gặp không ít khó khăn khi giá bán bấp bênh, không có đơn vị bao tiêu ổn định, chi phí sản xuất liên tục tăng.

Bà Nguyễn Thị Hiếu Thuận, phường 3, Thành phố Tây Ninh đã thuê 800ha đất tại Campuchia tiếp giáp với Việt Nam để trồng mía cung cấp cho các nhà máy ép mía ở Tây Ninh. Tuy nhiên nhiều năm nay bà liên tục bị thua lỗ vì giá mía quá thấp trong khi chi phí sản xuất tăng nhanh.

Theo tính toán của bà Thuận, với giá mía sau 3 lần tăng từ đầu vụ thu hoạch niên vụ 2020-2021 của nhà máy, đạt 930 nghìn đồng/tấn thì bà vẫn thua lỗ ít nhất khoảng 7 tỷ đồng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cấm qua lại biên giới nên việc thu hoạch mía đã phải kéo dài trễ hơn 3 tháng, sản lượng mía từ đó cũng đã giảm từ 20-30%, thiệt hại ước tính trên 10 nghìn tấn mía (bình quân năm trước là từ 60 đến 65 tấn/ha). Nếu tình hình không được cải thiện, dự kiến niên vụ mới bà Thuận sẽ không tiếp tục trồng đối với những diện tích đã già cỗi đến vụ trồng mới.

Cũng đầu tư trồng hàng trăm ha mía nhưng ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Chủ tịch Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh cho biết đã không còn mặn mà gì với cây mía. “Sau nhiều năm cố gắng bám trụ với cây mía nhưng càng bám trụ thì mía càng 'đắng'. Năm nay, dù nhà máy đường đã đưa ra nhiều các chính sách khuyến nông, hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp để cơ giới hóa đồng ruộng theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; thay đổi bộ giống mới, hướng dẫn khuyến nông cho nông dân trồng xen đậu xanh, bổ sung lượng phân hữu cơ…nhưng nhiều nông dân đã quyết tâm bỏ cây mía vì không còn niềm tin vào khả năng phục hồi của ngành mía đường trong nước,” ông Thuận chia sẻ.

Huyện Phụng Hiệp từng là vùng mía nguyên liệu lớn nhất của Hậu Giang và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, song khoảng 5 năm trở lại đây, người dân ở đây đã tìm cách chuyển sang cây trồng khác vì không thể sống được với cây mía.

Đã theo nghề trồng mía hơn 20 năm, nhưng đến nay ông Đinh Văn Triệu, ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang đành phải chuyển sang trồng dưa hấu để cải thiện thu nhập và bớt công chăm sóc.

Ông Triệu cho biết,  những năm gần đây trồng mía khó khăn về đầu ra, vật tư nông nghiệp, nhân công, giống mía đều tăng, sản xuất giá thành cao nhưng bán ra thì không được giá. Ấp Mỹ Lợi B trước đây có 230ha mía nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 50-60ha. Đa phần người dân kê liếp lên để bán mía chục (mía nước) chứ không còn trồng mía nguyên liệu nữa.

“Hợp tác xã mía đã khai tử rồi, câu lạc bộ 200 (năng suất mía đạt trên 200 tấn/ha) từ 2017 trở lại đây cũng không được nhà máy đường quan tâm, không chuyển giống mía mới, không họp nhóm nên hiện giờ cũng còn bấp bênh. Nông dân gắn bó lâu năm với cây mía nay phải bỏ để tìm sinh kế khác cũng buồn nhưng không còn cách nào khác,” ông Đinh Văn Triệu chia sẻ.

Cùng tình cảnh, ông Phạm Minh Cảnh, ở ấp Mỹ Thuận 2, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp thông tin, sau 20 năm trồng mía tôi đã chuyển sang trồng cam, nhiều hộ khác trong vùng cũng chuyển từ mía sang trồng mít, chanh không hạt, chỉ còn một ít hộ còn trồng mía để bán mía chục chứ không bán cho nhà máy đường.

“Thời điểm khoảng 9-10 năm trước nông dân trồng mía bán cho nhà máy cũng có lợi nhuận cao nhưng chỉ được một thời gian các nhà máy gặp khó khăn về tiêu thụ thì mía xuống giá. Khi chuyển sang bán mía chục thì tốn chi phí nhân công rất nhiều mà cũng không có người để mướn nên phải chuyển sang trồng cây khác. Không bám trụ được với cây mía, đa phần thanh niên trong vùng chọn đi làm công nhân ở các khu công nghiệp để có thu nhập trang trải cuộc sống,” ông Cảnh kể.

Nhiều vùng nguyên liệu “biến mất”

Từng là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương với quy hoạch diện tích trồng khá lớn. Tuy nhiên sau thời gian dài khó khăn, vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp đáng kể, nhiều vùng gần như “biến mất.”

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh từng được xem là thủ phủ của ngành mía đường trong cả nước, với diện tích trồng cao điểm lên đến 38.000ha. Thời điểm đó, cây mía cũng là cây trồng chủ lực giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, từ niên vụ mía 2017-2018 đến nay, do áp lực cạnh tranh từ đường ngoại nhập và một số hiệp định thương mại tự do, giá đường trong nước sụt giảm đáng kể, kéo theo giá mía thu mua cũng giảm sâu. Đến nay, diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh còn chưa đến 10.000ha, nhiều nông dân trước đây thuê đất ở các tỉnh lân cận để trồng mía nay cũng “giã từ” cây mía sau hàng chục năm gắn bó.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Tại Hậu Giang, cây mía từng là biểu tượng cho sự thịnh vượng trong kinh tế nông nghiệp một thời của địa phương nhưng nay đã mất hơn 2/3 diện tích. Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: Trước năm 2010 cây mía là cây trồng đặc thù và có lợi thế cạnh tranh của Hậu Giang so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2008 diện tích mía Hậu Giang đạt gần 15.500 ha, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, Thành phố Vị Thanh và Thành phố Ngã Bảy.

Tuy nhiên, sau năm 2010 đến nay diện tích trồng mía của tỉnh đã giảm không phanh. Nếu như năm 2015 diện tích mía toàn tỉnh còn khoảng 11.600ha thì đến năm 2020 chỉ còn xấp xỉ 6.000ha. Diện tích giảm nhanh, thu nhập từ trồng mía không đủ để nông dân trang trải cuộc sống nên cuối năm 2020, tỉnh Hậu Giang quyết định đưa mía ra khỏi danh sách cây trồng chủ lực. Niên vụ mía năm 2021 diện tích mía của Hậu Giang tiếp tục giảm, chỉ còn 5.000ha.

Không chỉ Tây Ninh, Hậu Giang mà nhiều vùng chuyên canh mía lớn với diện tích hàng ngàn ha tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) hay huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đến nay gần như đã bị xóa sổ.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vào thời kỳ “hoàng kim” cách đây 10 năm, người dân trồng mía có thu nhập ổn định, thậm chí có thể phất lên nhờ cây mía, diện tích mía nguyên liệu cả nước đạt tới 300.000ha. Tuy nhiên, đến niên vụ 2020-2021 vùng nguyên liệu mía đã bị thu hẹp gần 70%, nhiều nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

“Với đà này, nếu không có giải pháp để cải thiện tình hình sản xuất đường trong nước thì diện tích mía nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm và có nguy cơ bị xóa khỏi quy hoạch trên diện rộng. Khi đó, không chỉ 1/3 mà toàn bộ doanh nghiệp sản xuất đường trong nước phải đóng cửa vì không có nguyên liệu sản xuất. Thị trường đường Việt Nam sẽ hoàn toàn thuộc về đường nhập khẩu, trong khi hàng trăm nghìn nông dân từng gắn bó với cây mía hơn 20 năm phải loay hoay tìm sinh kế khác là điều khó chấp nhận được,” ông Nguyễn Văn Lộc quan ngại./.

Xuân Anh-Thanh Tân-Hồng Thái

Vietnam+

Các tin tức khác

>   TPHCM: Đột biến vốn FDI mới vào các KCN tăng gấp 22 lần (01/04/2021)

>   Bộ Công Thương chia sẻ về tính khả thi của quy hoạch điện VIII (01/04/2021)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021 (01/04/2021)

>   Đường dây 200 triệu lít xăng giả có cán bộ bảo kê, hối lộ rất tinh vi (31/03/2021)

>   Ngày mai, chính thức thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội (31/03/2021)

>   Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản (31/03/2021)

>   Cục Hàng không đề xuất nối lại chuyến bay quốc tế theo 3 giai đoạn (31/03/2021)

>   Nhiều trang thiết bị trong dự án 14 triệu USD mua về không sử dụng (31/03/2021)

>   Nhiều loại cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc có hại cho môi trường sống (31/03/2021)

>   Huyện Cần Giờ sẽ thành TP du lịch (30/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật