Huyện Cần Giờ sẽ thành TP du lịch
Đó là khẳng định của lãnh đạo UBND TP.HCM Tại Hội thảo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức ngày 30.3.
Cần Giờ định hướng sẽ trở thành một TP du lịch biểnẢnh: Đào Ngọc Thạch
|
Không để Cần Giờ ngủ quên
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM ông Võ Văn Hoan, phát triển về hướng Biển là mong muốn và ý chí của các thế hệ lãnh đạo và người dân TP.HCM. Do đó, xác định định hướng chiến lược để TP.HCM có kinh tế biển và chuỗi đô thị biển phát triển, kết nối với quốc tế và khu vực đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố. “Vì Cần Giờ có những thuận lợi riêng nên sẽ phát triển thành Thành phố du lịch và sinh thái mà không phải lên quận”, ông Hoan cho biết.
Cần Giờ sẽ là TP du lịch biển mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Chuyên gia quy hoạch, KTS. Nguyễn Xuân Anh, cũng cho biết ý tưởng này không phải gần đây mới được đề cập, mà đã được theo đuổi từ cách đây hai thập kỷ. Năm 2002, Cố Thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt, người đã dành tâm huyết nhiều năm cho bảo vệ và phục hồi rừng Cần Giờ, đã có phân tích về lợi ích của việc phát triển ở Cần Giờ “một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch”. Cố thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Khu đô thị này tầm cỡ không chỉ đối với nước ta mà ít ra cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Có thể so sánh Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia với một dạng khác của Nam Bộ. Bảo tồn khu dự trữ sinh quyển không có nghĩa là để ngủ quên các tiềm lực khác của Cần Giờ”.
“TP.HCM cần dựa trên hai điểm chốt của mình để xác lập cân bằng vùng. Điểm thứ nhất là khu vực quanh cảng Hiệp Phước của huyện Nhà Bè không chỉ phát triển các cảng hiện đại, công nghệ cao mà cần phát triển các dịch vụ đồng hành của cảng thương mại. Điểm thứ hai là đô thị biển Cần Giờ sẽ phát triển đô thị du lịch - ngoại thương. Đây là nơi cung cấp điểm giao dịch cho thương gia hoạt động liên quan toàn bộ hệ thống cảng thị Cần Giờ xung quanh. Hai điểm này cùng với trung tâm TP.HCM hình thành trục giữa của hệ thống cảng thị quanh vịnh Cần Giờ, cung cấp cho hệ thống này những thứ mà các cảng thị công nghiệp không thể có được, đó là tri thức, sáng tạo, công nghệ mới, chất lượng sống tốt”, KTS Nguyễn Xuân Anh đề xuất.
Tiến ra biển nhưng vẫn giữ được môi trường
GS.TSKH. Hoàng Văn Huây, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng đưa vào phát triển kinh tế biển vịnh Cần Giờ là cảng và đô thị lấn biển cần áp dụng những công nghệ biển hiện đại nhất thế giới để đảm bảo vùng TP. HCM trở thành TP cảng cửa ngõ lớn của thế giới và đảm bảo các quan điểm của đô thị sinh thái chung cho những tỉnh tiếp giáp rừng ngập mặn, cần những cơ chế liên kết vùng để đồng thuận 8 tỉnh trong vùng. “Phát triển kinh tế biển và cảng, chuỗi đô thị vịnh Cần Giờ là góp phần đảm bảo an ninh khu vực bằng chính sách phát triển kinh tế biển từ kết nối vùng là hướng đi đúng đắn, lâu dàI”, ông Huây cho hay.
GS Đặng Hùng Võ, cho rằng trên thế giới họ đã làm như vậy, nghĩa là phát triển các TP về hướng biển. Cần Giờ tiến ra biển nhưng vẫn giữ được môi trường, hệ sinh thái. Đồng thời tiến tới liên kết vùng khi tiến ra biển để hình thành hệ sinh thái biển, bao gồm một hệ sinh thái cộng sinh, nương nhờ nhau, dựa vào nhau để sống, tạo thành địa giới hành chính vượt qua TP.HCM. Phát triển kinh tế biển sẽ giúp kinh tế TP.HCM cất cánh nếu chúng ta bước ra biển đúng cách khi TP không còn bó buộc ở đất liền mà có thể chế ngự vùng biển trước mặt. TP.HCM có thể rút kinh nghiệm TP Thủ Đức khi cần có thể một TP độc lập trong TP.
Đình Sơn
Thanh niên
|