Thứ Năm, 01/04/2021 10:05

TPHCM: Đột biến vốn FDI mới vào các KCN tăng gấp 22 lần

Các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM có một sự gia tăng đột biến về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quí đầu tiên của năm 2021, đạt hơn 122 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 22,23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đột biến vốn FDI mới đăng ký vào các KCN tăng gấp 22 lần trong quí 1-2021. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 31-3 về tình hình hoạt động các khu chế xuất và các khu công nghiệp (KCX – KCN) quí 1 và nêu về kế hoạch quí 2 năm 2021, lãnh đạo Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA), cho biết dù trong quí này, các KCN trên địa bàn Thành phố chỉ có ba dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng số vốn đăng ký tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, ba dự án này đầu tư này đăng ký số vốn lên đến trên 122 triệu đô la, tăng gấp 22,23 lần so với cùng kỳ năm ngoái (5,48 triệu đô la).

Không cho biết tên tuổi cụ thể của nhà đầu tư nhưng theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza, ba dự án FDI này đăng ký pháp nhân đầu tư từ nước Úc và Singapore rót vốn vào lĩnh vực phát triển hạ tầng nhà xưởng cho thuê.

Việc rót vốn vào phát triển hạ tầng nhà xưởng cho thuê theo người đại diện của HEPZA là để thu hút các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ dự án đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay khi quỹ đất sạch để sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM không còn nhiều.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng xây sẵn cho doanh nghiệp thuê mang lại nhiều lợi ích. Đó là, đối với các công ty kinh doanh hạ tầng, sử dụng hiệu quả quỹ đất, cho được nhiều doanh nghiệp thuê, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với khả năng tài chính còn hạn hẹp thì việc thuê nhà xưởng xây sẵn sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư, đưa sản xuất vào hoạt động nhanh hơn là tự đầu tư phát triển nhà xưởng. Mô hình này còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước tăng hiệu quả hiệu lực trong quản lý về quy hoạch, môi trường và tiết kiệm được tài nguyên đất, nhất là trong bối cảnh TPHCM vốn khan hiếm đất sạch sản xuất công nghiệp.

Ông Hứa Quốc Hưng đang chia sẻ thông tin với phóng viên tại cuộc họp. Ảnh: Lê Hoàng

Về đầu tư trong nước, theo ông Hưng, trong cùng thời gian trên, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng thu hút được hơn 2.437 tỉ đồng (tương đương 105,4 triệu đô la), tăng 52,66% so với cùng kỳ (69,05 triệu đô la.

Trong đó, có 9 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký gần 2.020 tỉ đồng (tương đương 87,33 triệu đô la), tăng 58,69%  và 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng đạt gần 418 tỉ đồng (tương đương 18 triệu đô la), tăng gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tính chung trong quí 1 này, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt 224,61 triệu đô la, đạt 40,84% kế hoạch năm, tăng 66,34% so với cùng kỳ năm ngoái (135,03 triệu đô la). Diện tích đất cho thuê đạt 54,13 ha, diện tích nhà xưởng cho thuê đạt 20.356 m2.

Nhận định về nguồn vốn FDI đăng ký trong 3 tháng đầu năm, ông Hưng cho rằng việc tăng nguồn vốn FDI đột biến này không mang tính bền vững để có thể điều chỉnh dòng vốn này tăng lên cao so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. 

Tuy nhiên với dòng vốn đầu tư trong nước, người đứng đầu HEPZA cho rằng việc tăng vốn và mở rộng đầu tư của doanh nghiệp trong nước hiện nay là nhu cầu thực và mang tính bền vững hơn.

Liên quan đến nguồn đất sạch sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê sản xuất công nghiệp, đại diện HEPZA cho biết là không còn nhiều, bởi tổng diện tích đất sạch trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng hơn 100 héc ta, nhưng lại đang bị phân tán ở nhiều khu khác nhau. Trong khi đó, để thu hút được các dự án có quy mô vốn lớn thì yêu cầu quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại một khu công nghiệp phải lớn.

Do quỹ đất sạch khan hiếm và giá cho thuê cao hơn nhiều so với đất khu công nghiệp ở nhiều địa phương khác, người đứng đầu HEPZA cho biết, hiện đơn vị đặt trọng tâm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong khu công nghiệp, tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số.

HEPZA sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

Chia sẻ về các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, ông Hưng cho biết, HEPZA sẽ tham mưu chính quyền Thành phố các thủ tục pháp lý theo thẩm quyền, tiến tới thành lập và từng bước đưa vào khai thác Khu công nghiệp Phạm Văn Hai theo định hướng kỹ thuật cao...

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, lượng vốn đầu tư đổ vào các khu công nghiệp của TPHCM trong năm 2020 vẫn đạt hơn 760 triệu đô la Mỹ, tăng 52% kế hoạch đề ra, và tăng 17% so với năm 2019.

Bước sang năm 2021, HEPZA thận trọng khi đưa ra mục tiêu chỉ thu hút 550 triệu đô la vốn đầu tư, tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ. Lý giải về mục tiêu nói trên, theo người đại diện của Hepza, là do hiện nay quỹ "đất sạch" để cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều.

Bên cạnh đó, qua ghi nhận thực tế, HEPZ nhận thấy nhiều nhà đầu tư còn thận trọng với dịch bệnh Covid-19 và họ chưa thể đi đến quyết định rót vốn. Mặt khác, những doanh nghiệp thuê nhà xưởng xây sẵn tại các khu công nghiệp đều có quy mô vốn đầu tư nhỏ, nên các khu nhà xưởng xây sẵn, nhà xưởng cao tầng dành cho nhà đầu tư lớn thuê vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Lê Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương chia sẻ về tính khả thi của quy hoạch điện VIII (01/04/2021)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021 (01/04/2021)

>   Đường dây 200 triệu lít xăng giả có cán bộ bảo kê, hối lộ rất tinh vi (31/03/2021)

>   Ngày mai, chính thức thu phí trạm BOT Xa lộ Hà Nội (31/03/2021)

>   Năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản (31/03/2021)

>   Cục Hàng không đề xuất nối lại chuyến bay quốc tế theo 3 giai đoạn (31/03/2021)

>   Nhiều trang thiết bị trong dự án 14 triệu USD mua về không sử dụng (31/03/2021)

>   Nhiều loại cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc có hại cho môi trường sống (31/03/2021)

>   Huyện Cần Giờ sẽ thành TP du lịch (30/03/2021)

>   Pou Chen đóng cửa nhà máy ở Myanmar, có thể tăng sản xuất tại Việt Nam (30/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật