Thứ Năm, 11/03/2021 13:30

Nhà đầu tư cá nhân: Hiểu mình và thành công

Giai đoạn tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) từ tháng 4/2020 đến nay có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng, nổi bật hơn cả là vai trò của nhà đầu tư cá nhân và dòng tiền mới từ nhóm này. Vai trò của nhóm nhà đầu tư cá nhân đối với sự hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, để hiểu được nhóm nhà đầu tư này không dễ.

Bài viết dưới đây đề cập đến một số khía cạnh, đặc điểm của nhà đầu tư cá nhân để chúng ta (những cá nhân tham gia thị trường) có thể hiểu về bản thân nhiều hơn và có những quyết định đầu tư đúng đắn trên thị trường trong tương lai.

Nhà đầu tư cá nhân

Ở những thị trường phát triển như châu Âu và Mỹ, nhà đầu tư cá nhân thường là những nhà đầu tư không chuyên. Họ mua bán chứng khoán/tài sản trên thị trường với quy mô nhỏ để sở hữu cá nhân. Quyết định mua bán thường chịu ảnh hưởng từ cảm xúc và không có tác động mạnh đến xu hướng của thị trường. Theo số liệu thống kê trên thị trường Mỹ, nhóm này chỉ sở hữu dưới 30% số lượng cổ phiếu và chỉ chiếm 10-20% giao dịch.

Tuy nhiên, ở các thị trường đang phát triển hay cận biên, câu chuyện hoàn toàn khác. Như thị trường Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân chiếm 99.6% và 80% giao dịch trên thị trường. Ở Việt Nam cũng vậy, nhóm này đóng vai trò quan trọng với sự phát triển thị trường 20 năm qua.

Hình 1: Khối lượng và giá trị giao dịch của các nhóm nhà đầu tư. Đvt: Ngàn tỷ đồng

Từ năm 2016-2019, tỷ trọng giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân có xu hướng suy giảm, từ 86% năm 2016 về còn 79% năm 2019 (hình 1). Giai đoạn này chứng kiến vai trò của nhà đầu tư tổ chức trong nước, khi chiếm 12% tổng khối lượng giao dịch trong năm 2019. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã gia tăng vai trò khi tỷ lệ này tăng trở lại đạt 86% vào cuối năm 2020 và 80% trong tháng 1/2021. Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân có giá trị giao dịch gấp hơn 3.5 lần nhà đầu tư tổ chức.

Với tỷ lệ giao dịch lớn, chiếm hơn 85% giao dịch, và giá trị giao dịch cao hơn những nhóm còn lại thì vai trò của nhà đầu tư cá nhân trong sự phát triển của thị trường là điều không thể bàn cãi.

Nhà đầu tư cá nhân bị tác động từ thị trường

Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chịu tác động mạnh từ diễn biến thị trường. Khi thị trường điều chỉnh, nhóm này thường có xu hướng hạn chế giao dịch, qua đó làm cho giá trị giao dịch của thị trường trở nên trầm lắng. Tuy nhiên, trong những giai đoạn phục hồi, nhóm nhà đầu tư trong nước sẽ hoạt động sôi động trở lại như giai đoạn 2017-2018 và 2020-2021.

Trong năm 2020, khi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 làm thị trường giảm mạnh từ tháng 2-4/2020, giao dịch của nhóm này có sự suy giảm đáng kể (hình 2). Nhưng khi giá điều chỉnh về mức hấp dẫn trong tháng 4/2020, lực cầu bắt đáy từ một số nhóm nhà đầu tư gia tăng, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, khối lượng giao dịch cũng tăng trở lại. Từ 4/2020 đến nay, thị trường liên tục phục hồi và tiếp cận vùng 1,200 điểm, khối lượng cũng có sự gia tăng. Đỉnh điểm là tháng 1/2021, khối lượng và giá trị giao dịch của nhóm đều đạt mức cao kỷ lục 25.8 tỷ cổ phiếu và 546 ngàn tỷ đồng.

Hình 2: Diễn biến thị trường và giao dịch của các nhóm nhà đầu tư cá nhân theo tháng. Đvt: Ngàn tỷ đồng

Một số liệu khác cho thấy diễn biến của thị trường ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân là số lượng tài khoản mở mới (hình 3). Khi TTCK đạt đỉnh vào tháng 4/2018, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cũng ở mức kỷ lục, hơn 40,000 tài khoản trong tháng 4/2018. Sau đó, số lượng này giảm lại và duy trì quanh mức 15,000-20,000 tài khoản mỗi tháng.

Khi thị trường sôi động trở lại với sự biến động mạnh từ tháng 2/2020, số lượng tài khoản cũng gia tăng mạnh, trung bình mỗi tháng có hơn 30,000 tài khoản được mở mới. Đặc biệt, vào tháng 12/2020, khi thị trường tiếp cận vùng đỉnh lịch sử quanh mốc 1,200 điểm, số lượng tài khoản mở mới ở mức cao kỷ lục, hơn 60,000 tài khoản.

Điều này cho thấy nhà đầu cá nhân có xu hướng hành động theo diễn biến của thị trường. Khi thị trường tăng, nhóm này sẽ chú ý đến thị trường hơn và tăng cường giao dịch (khối lượng giao dịch tăng và số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng).

Hình 3: Số lượng tài khoản và diễn biến thị trường

Nhà đầu tư và mức độ biến động

Nhà đầu tư cá nhân chấp nhận nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn khi thị trường biến động mạnh. Hình 4 cho thấy mối quan hệ này, trong hình, ATR đại điện cho mức độ biến động của VN-Index. Khi ATR có xu hướng tăng thì nhà đầu tư sẽ chấp nhận rủi ro nhiều hơn, hay tăng nắm giữ cổ phiếu. Điển hình là giai đoạn tháng 3-4/2020, khi ATR tăng và đạt mức cao thì nhà đầu tư cá nhân chấp nhận nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn. Giai đoạn từ tháng 10/2020-1/2021 cũng chứng kiến điều tương tự.

Hình 4: Mức độ biến động và mức nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư

Vòng quay cổ phiếu của nhà đầu tư cá nhân đang tăng

Năm 2019, khối lượng giao dịch trung bình theo tháng của nhà đầu tư cá nhân chỉ 5,400 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, sang năm 2020, khối lượng giao dịch trung bình mỗi tháng lên đến 11,700 triệu cổ phiếu - tăng hơn 2 lần, đặc biệt khi VN-Index tiếp cận đỉnh cũ 1,200 điểm thì khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục trên 20,000 triệu cổ phiếu mỗi tháng (tháng 12/2020 và tháng 1/2021).

Sự tăng lên của khối lượng có thể xuất phát từ dòng tiền mới hoặc do vòng quay tăng lên (thời gian nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu giảm xuống). Khi nhìn về tổng tài sản của các công ty chứng khoán, chúng ta sẽ không nhận thấy sự gia tăng đột biến, tổng tài sản công ty chứng khoán khoảng 150 ngàn tỷ đồng trong năm 2019, và 169 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2020.

Tốc độ tăng tài sản từ các công ty chứng khoán có thể được xem như lượng tiền mới nhà đầu tư đang đổ vào thị trường. Tốc độ tăng của tổng tài sản thấp hơn tốc độ tăng trong khối lượng giao dịch hàm ý vòng quay của cổ phiếu đang tăng, hay nhà đầu tư đang giảm thời gian nắm giữ cổ phiếu trong danh mục xuống. Ví dụ, nếu trong năm 2019, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong 20 ngày thì ở thời điểm hiện tại, thời gian này rút ngắn xuống có thể là 10 ngày hoặc thậm chí 5 ngày. Sự mua/bán liên tục làm cho khối lượng và giá trị giao dịch tăng lên đáng kể.

Hình 5: Khối lượng và giá trị giao dịch của nhà đầu tư

Hàm ý với nhà đầu tư cá nhân

Với những đặc điểm trên, nhà đầu tư cá nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất liên quan đến vòng quay cổ phiếu. Việc giảm thời gian nắm giữ suốt giai đoạn từ tháng 6/2020-1/2021 có thể là chiến lược đầu tư không hợp lý. Do trong giai đoạn này, xu hướng tăng đã được xác nhận trên thị trường, mà trong xu hướng tăng, ưu tiên của nhà đầu tư là nắm giữ cổ phiếu để đạt được lợi nhuận tối đa từ tài sản. Hành động lướt sóng (mua/bán liên tục) có thể làm tăng chi phí giao dịch của nhà đầu tư, đặc biệt với quy định T+2 trên thị trường Việt Nam, nhà đầu tư sẽ phải chờ 2 ngày để tiền/chứng khoán về tài khoản, trong thời gian này nhà đầu tư sẽ bị hạn chế rất nhiều, nên tránh trading trong xu hướng tăng.

Bên cạnh đó, khi mua cổ phiếu A và bán ra ngay sau đó, nhà đầu tư sẽ đối mặt 2 lựa chọn: (1) Đứng ngoài thị trường hoặc (2) Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu bằng cách quay lại mua tiếp. Trong xu hướng tăng, việc đứng ngoài thị trường sẽ làm nhà đầu tư không thể đạt được tỷ suất sinh lợi cao nhất, nên đây không phải lựa chọn khôn ngoan. Nếu lựa chọn mua lại cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ đối mặt quyết định chọn cổ phiếu nào để mua: Mua cổ phiếu A hay mua cổ phiếu khác. Lựa chọn nào cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư. Vì thế, trong xu hướng tăng, nhà đầu tư cá nhân nên cân nhắc kỹ quyết định đầu tư, tránh lướt sóng quá nhiều và tăng thời gian nắm giữ một cổ phiếu.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu khi thị trường biến động mạnh. Thị trường biến động mạnh thường xuất hiện nhiều cơ hội hơn và tạo sự chú ý nhiều hơn với nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với trường hợp năm 2020 thì giai đoạn biến động mạnh diễn ra trong 3 tháng từ tháng 2-4/2020, sau đó thị trường tạo đáy và đi lên mạnh mẽ, giúp nhà đầu tư có thể tạo được lợi nhuận với thời gian ngắn.

Nhưng nếu sau thời gian biến động mạnh, thị trường rơi vào xu hướng điều chỉnh trung hạn thì sao? Điển hình là giai đoạn khủng hoảng 2007-2008, khi đó thị trường cũng biến động mạnh, giai đoạn điều chỉnh xuất hiện trong thời gian dài, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009. Việc mua khi giá giảm mạnh gần đỉnh có thể làm nhà đầu tư gánh chịu thiệt hại khi phải chịu thêm hơn 1 năm điều chỉnh.

Vì thế, sẽ hợp lý hơn nếu nhà đầu tư cá nhân có sẵn một chiến lược đầu tư hợp lý, và khi mức biến động tăng lên thì nhà đầu tư có thể tận dụng sự biến động này để gia tăng lợi nhuận. Trong trường hợp thị trường hình thành xu hướng điều chỉnh dài hơn, nhà đầu tư cũng có những quyết định phù hợp dựa trên chiến lược đầu tư ban đầu.

Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Chứng khoán KIS Việt Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Năm Sửu, kỳ vọng chứng khoán ‘khỏe như trâu’ (13/02/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 3): Thêm một số tiêu chí lọc cổ phiếu (03/02/2021)

>   Nhà đầu tư 10 tuổi lãi hơn 5,000% từ cổ phiếu GameStop (31/01/2021)

>   Những điều cần lưu ý khi đầu tư vào chứng khoán (30/01/2021)

>   Chia tay năm Chuột (11/02/2021)

>   'Khuôn mặt mới' của chứng khoán (27/01/2021)

>   Chứng khoán ‘say’ tiền: Khúc khải hoàn của nhà đầu tư F0 (22/01/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 2): Lựa chọn thế nào hiệu quả? (22/01/2021)

>   Hành trang cho nhà đầu tư F0 (Kỳ 2) (19/01/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 1): Hiệu quả ra sao? (15/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật