Thứ Sáu, 22/01/2021 09:20

Chứng khoán ‘say’ tiền: Khúc khải hoàn của nhà đầu tư F0

Làm cách nào những cá nhân ít kinh nghiệm và ít nguồn lực hơn rất nhiều so với các quỹ đầu tư có đội ngũ phân tích hùng hậu lại đang là người thắng lớn tại một nơi đòi hỏi sự tinh vi như thị trường chứng khoán?

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá chứng khoán tại một sàn giao dịch.

“Thời điểm này tham gia thị trường cảm thấy khả năng có lời là 60%. Do thị trường đã tăng khá nóng nhưng triển vọng năm tới tốt, theo các yếu tố vĩ mô”, anh C.T, nhân viên ngân hàng 27 tuổi, lạc quan về triển vọng của cổ phiếu và đương nhiên là cả cơ hội kiếm tiền của bản thân tại sàn chứng khoán.

C.T biết về cổ phiếu từ những ngày còn học đại học và tham gia kiếm lời trong năm 2020 khi lãi suất tiền gửi ngân hàng hạ thấp, thu nhập bị ảnh hưởng, trong khi đầu tư bất động sản lại đòi hỏi nguồn vốn quá lớn.

Từng đầu tư chứng khoán trong năm 2016 nhưng kết quả không tốt, C.T quay trở lại vào tháng 4/2020, khi thị trường bắt đầu hồi phục sau khi bổ nhào, và đến nay đã có lời “khoảng 40-50%”. Bỏ qua yếu tố quy mô, thành tích này vượt mặt các quỹ đầu tư hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam như VEIL - Dragon Capital (sinh lời 22.8% trong năm 2020) PYN Elite Fund (31.8%) hay Vietnam Holding (15.4%).

Nhà đầu tư trẻ kể trên là một phần trong làn sóng nhà đầu tư “F0” - những người rót tiền mua cổ phiếu khi thị trường sụt mạnh sau Tết Nguyên đán 2020 vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tìm đến chứng khoán với mục tiêu kiếm lời, nhà đầu tư nhỏ lẻ không bị bó buộc bởi những tính toán về rủi ro thị trường giữa một giai đoạn phức tạp đầy biến động vốn đã khiến những nhà đầu tư kỳ cựu phải vò đầu bứt tai. Tuy nhiên, sẽ là nguy hiểm nếu những khoản lời có được đơn thuần là kết quả của sự may mắn, bởi nó có thể khiến một người trở nên quá tự tin vào khả năng kiếm lời của mình trong việc mua đi bán lại cổ phiếu. Qua nhiều giai đoạn chỉ ra rằng, người mất tiền trên thị trường chứng khoán trong dài hạn là những người không kiểm soát được sự hào hứng của ước muốn nhanh chóng trở nên giàu có.

NHẬP CUỘC!
Làn sóng mở tài khoản chứng khoán bùng lên những ngày cuối năm 2020
Đvt: Tài khoản
Nguồn: VSD, Vietstock tổng hợp

Một lý do đằng sau việc cổ phiếu bỗng trở thành kênh đầu tư hút tiền trong năm 2020 là việc lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hạ thấp nhanh chóng, sau khi Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) thực thi các biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch. Gửi tiền tại ngân hàng - kênh tiết kiệm được người dân Việt Nam ưa chuộng - trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, cổ phiếu liên tục tăng giá kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3/2020.

Bên cạnh bức tranh ngắn hạn là dòng tiền đang cuồn cuộn chảy trong thị trường, kim chỉ nam cho giá cổ phiếu trong dài hạn là lợi nhuận của doanh nghiệp trên bình diện chung vẫn đang chịu tác động của đại dịch. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là gương phản chiếu tương lai. Miễn rằng triển vọng hồi phục của các doanh nghiệp vẫn sáng cửa thì các mức giá cổ phiếu vẫn được dung dưỡng.

Nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường có lẽ không quá quan tâm đến những điều đó. Họ có công việc với thu nhập chính và sử dụng thời gian rảnh để ra những quyết định có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai tài chính của bản thân. Trong thời đại công nghệ, nhà đầu tư dễ dàng ngồi trước màn hình laptop, đăng nhập website của hãng môi giới và mở tài khoản, chuyển tiền vào bằng ứng dụng ngân hàng, đọc xem một vài thông tin trên các trang báo, sau đó mua cổ phiếu và cưỡi trên những con sóng tăng của thị trường.

“Tôi làm việc ở công ty và rảnh giờ nào thì mua vào giờ đó, chủ yếu là mua và nắm giữ lâu dài”, anh A.H, 25 tuổi, một kỹ sư phần cứng đang làm việc tại TP Đà Nẵng cho biết. Anh kể đã dùng một phần tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán, chỉ nhắm đến các cổ phiếu VN30.

Bước vào thị trường trong khoảng tháng 4-5 năm trước, hiện khoản đầu tư lớn nhất của A.H là một cổ phiếu ngân hàng đã sinh lời trên 94%. “Tôi chủ yếu đọc báo để biết thông tin chứ không nghiên cứu hay phân tích kỹ thuật gì nhiều”, anh chia sẻ.

Một nhà đầu tư F0 theo dõi bảng giá chứng khoán. Ảnh: TV
Trong ngày giao dịch 19/01/2021, thị trường biến động mạnh, VN-Index kết phiên giảm gần 61 điểm xuống mức 1,131 điểm. Chỉ số nhanh chóng hồi phục lên mức 1,164.21 điểm chỉ hai ngày sau đó.

Kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, mất 39 ngày giao dịch để VN-Index giảm 33.5% từ mốc 991.46 điểm xuống chạm đáy 659.21 điểm (kết phiên 24/03). 209 ngày giao dịch sau đó, chỉ số ở mức trên 1,190 điểm cùng với sự sôi động mà ít ai tưởng tượng ra. Sàn HOSE nghẽn mạng vì khối lượng giao dịch quá lớn.

Trên các diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán, những cuộc bàn luận chủ yếu xoay quanh giá cổ phiếu hơn là trao đổi về tình hình các công ty. Người tham gia băn khoăn liệu sẽ có người đến sau trả giá cao hơn cho mã cổ phiếu vừa mua hay không, thay vì xem mình là một người chủ doanh nghiệp. Cổ phiếu của không ít công ty kinh doanh ảm đạm từ trước khi có Covid-19, nợ cổ tức nhiều năm,… tăng hàng chục phần trăm.

“Phong vũ biểu”

Được xem là “phong vũ biểu của nền kinh tế”, thị trường chứng khoán đương nhiên đang chạy trước so với tình hình doanh nghiệp hiện nay. Những giai đoạn giá cổ phiếu tăng nhanh thường là thời điểm diễn ra sự thay đổi kỳ vọng mạnh mẽ. Nhưng sau cùng, giá cổ phiếu không thể tiếp tục tăng nếu kỳ vọng không được đáp ứng.

Liệu đà tăng của thị trường, được xúc tác bởi dòng tiền nội địa trong khi chẳng thèm để ý việc khối ngoại lũ lượt thoái lui, có phải là xu hướng bền vững hay không vẫn đang còn là điều tranh cãi.

Đã bắt đầu có những ý kiến trái chiều xuất hiện giữa cơn say của cổ phiếu. Tại Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam 2021 ngày 11/01 - nơi quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu, đại diện quỹ đầu tư lớn và cả đại diện từ cơ quan điều tiết như Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Quách Mạnh Hào - Giảng viên trường Đại học Lincoln (Anh) đưa ra quan điểm rằng lãi suất thấp đã kích hoạt dòng tiền đầu cơ tìm đến những lĩnh vực ngoài sản xuất, làm tăng khả năng xuất hiện bong bóng tài sản, trong đó có chứng khoán.

Trong khi đó, không ít khối phân tích của các công ty chứng khoán (CTCK) thời gian gần đây có quan điểm đồng thuận rằng định giá cổ phiếu Việt vẫn rẻ tương đối so với các nước khác và nền kinh tế 2021 của Việt Nam là triển vọng. Quan trọng nhất, họ lạc quan về khả năng tiếp tục tăng giá của cổ phiếu. Có CTCK dự báo VN-Index có thể tiếp tục tăng hàng chục phần trăm.

Dù vậy, đáp án chính xác cho hướng đi của thị trường chỉ có chính nó mới có thể trả lời.

HỨNG KHỞI
Giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày tại HOSE
Đvt: Tỷ đồng
(*): Tính đến kết phiên 21/01/2021.
Nguồn: VietstockFinance

Những ngày cận Tết, anh C.T vẫn lạc quan về cơ hội kiếm lời của mình. “Tôi vẫn tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng”, anh nhận định.

Nói về các cổ phiếu có giá đã tăng mạnh, anh C.T cho biết mình sẽ không mua vì nghĩ rằng sắp tới giá sẽ giảm. “Ít cổ phiếu có đà tăng liên tục trong thời gian dài”, anh nói.

Mặc dù vậy, nhân viên ngân hàng thế hệ 9x cho biết anh đang tiếp tục đầu tư và nắm giữ cổ phiếu với niềm tin vào tình hình kinh tế vĩ mô tươi sáng hơn. Tại nơi mình làm việc, anh kể rằng các đồng nghiệp cũng rục rịch tham gia thị trường trong khoảng một tháng gần đây.

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 2): Lựa chọn thế nào hiệu quả? (22/01/2021)

>   Hành trang cho nhà đầu tư F0 (Kỳ 2) (19/01/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 1): Hiệu quả ra sao? (15/01/2021)

>   Hành trang cho nhà đầu tư F0 (Kỳ 1) (13/01/2021)

>   Bài học cho nhà đầu tư từ thị trường chứng khoán 'năm Covid' (04/01/2021)

>   Chốt hay không chốt? (28/12/2020)

>   “Món ngon” CW trong thị trường đi lên không mệt mỏi (24/12/2020)

>   Hạnh phúc của nhà đầu tư F0 (23/12/2020)

>   Dòng tiền chạy sang cổ phiếu penny? (09/12/2020)

>   Gia đình đã tất tay vào Bitcoin trong năm 2017 giờ ra sao? (05/12/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật