Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 2): Lựa chọn thế nào hiệu quả?
Các doanh nghiệp trả tỷ suất cổ tức cao luôn nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều sự ngộ nhận cần được làm rõ để nhà đầu tư không phải “ăn cổ tức, tức tới cổ”.
>> Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 1): Hiệu quả ra sao?
Trước tiên, cần nói rõ cổ tức ở đây là cổ tức tiền mặt, không phải cổ tức bằng cổ phiếu vốn được xem là ảo - do nghiệp vụ chia tách cổ phiếu (để trả cổ tức) không làm tăng giá trị khoản đầu tư.
Tỷ suất cổ tức được tính bằng cổ tức tiền mặt chia cho thị giá cổ phiếu. Tỷ suất cổ tức ít nhất phải cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng (hiện khoảng 6%/năm) và tỷ lệ lạm phát, tốt hơn nên trên 10% mới được chọn.
Chúng ta thấy chiến lược đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao hấp dẫn bởi cổ tức có thể cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng có xu hướng giảm. Ngoài ra, việc đầu tư cổ phiếu nhận cổ tức có thể giúp nhà đầu tư hưởng lợi kép từ tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, trong thực tế, chiến lược này chưa hẳn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Rủi ro có thể gặp
Thu xếp khoản tiền mặt để trả cổ tức hàng năm không phải điều dễ dàng nên những doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt cao thường thuộc nhóm ngành có kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt và chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải.
Nhưng, chính việc không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai. Vì lý do này, các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.
Rủi ro hơn là nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai. Ðây cũng là những yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn chiến lược đầu tư dài hạn theo dòng cổ tức.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức tốt qua nhiều năm nhưng thanh khoản thấp, do cổ đông chỉ nắm giữ, không có giao dịch. Chẳng hạn, cổ phiếu May xuất khẩu Phan Thiết (UPCoM: PTG) thường có tỷ suất cổ tức rất cao, đến 12,000% năm 2020, nhưng cổ phiếu không có thanh khoản, nhà đầu tư muốn mua không được, người muốn bán cũng không dễ bởi thị giá không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp loại này, việc giải ngân hay khi cần thoái vốn sẽ mất nhiều thời gian và cần sự kiên nhẫn, tương ứng dòng tiền đầu tư phải là nguồn dài hạn, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy.
Lựa chọn cổ phiếu như thế nào?
Để có lợi nhuận hấp dẫn, nhà đầu tư cần chọn được thời điểm phù hợp, bởi những doanh nghiệp trả cổ tức cao đi kèm giá cũng cao. Do đó, lựa chọn thời điểm thị trường xuống thấp, tâm lý nhà đầu tư bi quan để mua vào cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư hiện thực hóa được mục tiêu.
|
Để chọn được cổ phiếu tốt cho chiến lược đầu tư này, nhà đầu tư nên xem xét doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ổn định/tăng trưởng trong tương lai và cạnh tranh không cao. Đặc thù kinh doanh của doanh nghiệp mang lại dòng tiền lớn, ít phải tái đầu tư hoặc thâm dụng lớn. Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh mạnh như: Tài sản vô hình có giá trị; chi phí sản xuất thấp; ngành hiệu quả; lợi thế mạng lưới. Ban lãnh đạo, quản trị điều hành ổn định và liêm chính…
Điều quan trọng nữa là khả năng duy trì việc trả cổ tức. Trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp bất ngờ trả cổ tức cao đột biến trong một năm nhưng không duy trì được trong các năm sau. Do đó, nhà đầu tư cần tìm kiếm doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn nhiều năm và có kết quả kinh doanh tốt trong năm gần nhất để đảm bảo khả năng duy trì chính sách cổ tức. Nhà đầu tư có thể căn cứ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hàng năm để xem kế hoạch chi trả cổ tức của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý doanh nghiệp có thể công bố kế hoạch cao nhưng kinh doanh thực tế trong năm không thuận lợi, dòng tiền bị nghẽn lại do bị khách hàng nợ, chiếm dụng vốn, hoặc không bán được hàng, khiến tồn kho cao.
Ngoài ra, cổ phiếu cần có thanh khoản, nghĩa là phải có khối lượng giao dịch tương đối để đảm bảo giao dịch mua - bán được thực hiện.
Trước khi theo đuổi chiến lược đầu tư cổ phiếu nhận cổ tức, nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ: Chiến lược này phù hợp với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong thời gian tương đối dài, không mua - bán liên tục. Chiến lược có mức độ rủi ro tương đối thấp nhưng chỉ đúng với các công ty có kết quả kinh doanh tốt, phát triển bền vững. Cổ tức chỉ mang lại lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải, không phải cách làm giàu nhanh.
Gia Nghi
FILI
Đóc đọc:
>> Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 3): Thêm một số tiêu chí lọc cổ phiếu
|