Thứ Bảy, 13/02/2021 09:00

Năm Sửu, kỳ vọng chứng khoán ‘khỏe như trâu’

Trâu là vật nuôi quen thuộc, gần gũi với người Việt Nam. Loài trâu hiền lành, chăm chỉ và cũng rất mạnh mẽ, vững chãi, là loài vật dũng mãnh, thiện chiến.

Con trâu gắn liền với cuộc sống của nông dân vùng quê, trở thành biểu tượng của nền văn minh lúa nước với hình tượng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Con trâu còn đi vào ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ví dụ như: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”… Có lẽ vì vậy mà con trâu còn mang biểu tượng của niềm hy vọng sung túc, giàu có, mong ước đến cuộc sống an lành.

Trong văn hóa phương Tây, loài trâu tượng trưng cho sức mạnh và tài lộc. Người ta coi những chiếc tù và làm từ sừng trâu là biểu tượng cho ngành bưu chính cổ đại, thổi tù và để thông báo mỗi khi giao nhận thư từ các buôn lái. Cặp sừng dài to, chắc khỏe của con trâu xuất hiện nhiều trong thần thoại Hy Lạp hay Ai Cập, biểu tượng cho các vị thần bảo trợ với sức mạnh khiến bao người phải sợ hãi…

Loài trâu trên thị trường chứng khoán

Đến phố Wall nước Mỹ, nhiều người ấn tượng với con bò to lớn bằng đồng được dựng trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York, được gọi trìu mến bằng cái tên “Con bò phố Wall” (Wall Street Bull hay the Bowling Green Bull, Charging Bull). Con bò này là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Arturo Di Modica, nặng 3.2 tấn, dài 4.9 mét, là biểu tượng cho sức mạnh và hy vọng của người Mỹ sau vụ sụp đổ thị trường chứng khoán (TTCK) phố Wall năm 1987. Nghệ nhân chia sẻ con bò ở trạng thái sẵn sàng lao mạnh về phía trước, húc tung mọi rào cản để biểu trưng cho sự tăng tốc, phát triển cực mạnh của TTCK. Thời gian qua đi, tượng bò càng nổi tiếng hơn cùng với sự phát triển của TTCK New York.

Trên sàn chứng khoán Việt, có doanh nghiệp lấy đầu trâu làm biểu tượng logo, hình ảnh thân thuộc với nông dân nói riêng và người lao động nói chung. Hình ảnh chiếc đầu trâu tạo nên sự mạnh mẽ, tận tụy, tin cậy, thủy chung và một cuộc sống ấm no, sung túc.

Kỳ vọng chứng khoán vững mạnh như trâu

Năm Sửu, nhà đầu tư có thể kỳ vọng TTCK sẽ tăng trưởng bền vững, khỏe mạnh như trâu dựa vào một số cơ sở dưới đây.

Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2010. Luật Chứng khoán 2019 với nhiều điểm mới mang tính đột phá như: Nâng điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao chất lượng báo cáo tài chính; đổi mới cơ chế đăng ký doanh nghiệp; tăng cường minh bạch thông tin; thống nhất một sở giao dịch chứng khoán; trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; tăng chế tài xử lý vi phạm… kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm TTCK Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế 2021 được dự báo sẽ phục hồi. Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - Bộ Kế hoạch và đầu tư), với kịch bản cơ sở - trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi, đại dịch Covid-19 dần được khống chế - tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt 6.17%/năm, CPI trung bình tăng 3.8%. Với kịch bản khả quan, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt 6.72%/năm, CPI tăng khoảng 4.2%. Kịch bản này diễn ra khi kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn dự kiến, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước trở lại bình thường ngay trong năm 2021.

Trong tháng 1/2021, VN-Index giảm 47.26 điểm, gần 4.3%; sau khi tăng gần 15% trong năm 2020 với giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh. Đợt điều chỉnh này được cho là sẽ giúp thị trường bền vững hơn.

Minh Liêu

FILI

Các tin tức khác

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 3): Thêm một số tiêu chí lọc cổ phiếu (03/02/2021)

>   Nhà đầu tư 10 tuổi lãi hơn 5,000% từ cổ phiếu GameStop (31/01/2021)

>   Những điều cần lưu ý khi đầu tư vào chứng khoán (30/01/2021)

>   Chia tay năm Chuột (11/02/2021)

>   'Khuôn mặt mới' của chứng khoán (27/01/2021)

>   Chứng khoán ‘say’ tiền: Khúc khải hoàn của nhà đầu tư F0 (22/01/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 2): Lựa chọn thế nào hiệu quả? (22/01/2021)

>   Hành trang cho nhà đầu tư F0 (Kỳ 2) (19/01/2021)

>   Đầu tư cổ phiếu tỷ suất cổ tức cao (kỳ 1): Hiệu quả ra sao? (15/01/2021)

>   Hành trang cho nhà đầu tư F0 (Kỳ 1) (13/01/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật