Kênh đào Suez chính thức hoạt động trở lại
Ever Given – con tàu bị mắc cạn tại kênh đào Suez – cuối cùng đã di chuyển bình thường và nhờ đó, tuyến đường thủy quan trọng cũng hoạt động trở lại.
Con tàu Ever Given giờ đã nổi hoàn toàn trên nước và hiện đang trên đường tới Hồ Great Bitter, Cơ quan Kênh đào Suez cho biết trong một tuyên bố. Một khi cập bến, con tàu sẽ được kiểm tra về kỹ thuật.
Hiện các bên đang nỗ lực để điều hướng các con tàu đi qua kênh đào, trong đó hơn 450 con tàu đang ở gần kênh đào Suez. Tình trạng tắc nghẽn này đã gây thêm áp lực cho một chuỗi cung ứng vốn đang bị đứt gãy vì dịch Covid-19. Kênh đào Suez chiếm khoảng 12% giá trị giao thương toàn cầu.
Giá dầu Brent giảm 0.6% xuống 64.2 USD/thùng sau thông tin trên.
Trước đó vào sáng ngày 29/03, giới chức Ai Cập thông báo tàu Ever Green đã được giải cứu thành công và "hoàn toàn nổi", sau nỗ lực đưa tàu chuyển hướng 80% trước đó.
"Ever Given đã nổi trở lại vào lúc 4h30 ngày 29/3/2021 (giờ địa phương) và hiện được đảm bảo an toàn. Thông tin thêm về các bước tiếp theo sẽ được cập nhật sau khi chúng tôi nắm được", Inchcape đăng thông báo trên Twitter. Đuôi tàu đã di chuyển khỏi bờ phía tây của kênh Suez.
Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) thông báo tàu đã "nổi trở lại thành công" sáng nay. "Đây là kết quả các hoạt động kéo và lai dắt thành công, dẫn đến tàu chuyển hướng 80%", Rabie cho hay, đồng thời ca ngợi nhân viên SCA hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giúp đạt "kỳ tích to lớn".
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi lên tiếng ca ngợi nỗ lực giải cứu tàu Ever Given. Trên mạng xã hội Twitter, ông viết: "Hôm nay, người Ai Cập đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng con tàu mắc cạn ở kênh đào Suez, bất chấp sự phức tạp lớn xung quanh quá trình này".
Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200,000 tấn, đâm chéo vào bờ kênh đào Suez và mắc cạn sáng 24/03 khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. Con tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải qua kênh đào Suez, khiến mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải dừng.
Được xây dựng vào năm 1869, Kênh đào Suez là tuyến vận tải biển quan trọng bậc nhất nối châu Á và châu Âu. Nếu không có tuyến hàng hải này, các tàu sẽ phải mất thêm nhiều tuần để đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (châu Phi).
Hoạt động vận tải qua kênh đào Suez chiếm tới 12% giao thương toàn cầu. Theo SCA, năm 2020, tổng cộng 19,000 con tàu - trung bình 52 tàu mỗi ngày - đi qua Kênh đào Suez với tổng giá trị hàng hóa 1.17 tỷ tấn. Hàng hóa vận chuyển qua kênh đào này chủ yếu là hàng khô như ngũ cốc và khoáng sản, và dầu.
Do đó, gián đoạn giao thông tại Kênh đào Suez gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giao thương cũng như cả ngành công nghiệp vận tải biển. Theo Lloyd's List, mỗi ngày Kênh đào Suez bị tắc nghẽn làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng hóa trị giá gần 10 tỷ USD.
|
Vũ Hạo (Theo Bloomberg, CNBC)
FILI
|