Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành ngân hàng (Kỳ 1)
Dịch Covid-19 xuất hiện và tác động tiêu cực lên hầu hết các nhóm ngành trên thị trường trong năm 2020, ngành ngân hàng cũng không là ngoại lệ. Đây không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Triển vọng ngành ngân hàng
Khóa học Online
CHỨNG KHOÁN CƠ BẢN
Dành cho Nhà đầu tư mới
💡 Khai giảng: 05/04/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 60%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12.13%. Mặc dù không đạt như kỳ vọng đầu năm trước khi dịch bệnh xảy ra (mục tiêu 14%) nhưng kết quả này đã cho thấy được sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Theo đó, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6.5% nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF) và Ngân hàng thế giới (WorldBank - WB) còn lạc quan hơn. WB dự báo 6.7%, các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6.8-7%. Kỳ vọng này dựa trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì tốt.
Nguồn: VietstockFinance, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam
Lợi nhuận vẫn khả quan trong năm 2020 đầy biến động
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, việc trích lập dự phòng nợ xấu tăng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ đa dạng hóa nguồn thu, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn rất khả quan.
Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, BID và Agribank lợi nhuận 2020 không tăng trưởng so với năm 2019; VCB và CTG thì vẫn giữ được phong độ. Cụ thể, VCB đạt 23,045 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần như tương đương năm 2019 và dẫn đầu hệ thống ngân hàng. Gây ấn tượng mạnh là CTG với lợi nhuận lên tới 17,070 tỷ đồng, tăng trưởng 44.89% so với năm 2019, đứng thứ hai trong toàn hệ thống
Trong khi đó, BID công bố năm 2020, lợi nhuận đạt 9,213 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính Ngân hàng Nhà nước giao nhưng lại giảm 14.15% so với năm trước. Agribank đạt 12,869 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vẫn hoàn thành kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao nhưng giảm gần 9% so với năm 2019.
Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lợi nhuận của nhiều ngân hàng như TPB, MBB, TCB, VPB... tăng trưởng rất tốt.
Nguồn: VietstockFinance
Mạng lưới giao dịch lớn sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận được khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ở vùng nông thôn, nơi người dân chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ tài chính ngân hàng. Do đó, trong những năm gần đây nhiều ngân hàng đã tích cực mở rộng các chi nhánh và phòng giao dịch mới về các tỉnh nhằm tăng độ phủ sóng, thu hút nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của khách hàng. Họ không có nhu cầu hoặc không muốn tới các chi nhánh để giao dịch nữa. Khi đó mạng lưới chi nhánh lớn và rộng khắp chuyển từ lợi thế thành điểm yếu do hao tốn chi phí.
Nguồn: VietstockFinance và Báo cáo tài chính các ngân hàng
Agribank*: Số liệu tính đến 30/06/2020.
Làn sóng lên sàn và chuyển sàn ồ ạt của các ngân hàng
Tại Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Những tưởng dịch Covid-19 sẽ là rào cản làm cản trở kế hoạch niêm yết trên thị trường của các ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán hồi phục ngoạn mục trong giai đoạn cuối năm 2020 đã khiến số lượng ngân hàng xếp hàng chờ lên sàn ngày càng dài. Làn sóng chuyển sàn của các nhà băng cũng đã góp phần tạo nên sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn cuối năm 2020.
Theo đó, trong năm 2020 có đến 9 ngân hàng lên sàn/chuyển sàn thành công. Vừa qua, cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE từ ngày 28/01/2021 với giá tham chiếu 22,900 đồng/cp.
Nguồn: VietstockFinance và các ngân hàng
Bancasurrance dần trở thành xu thế
Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, năm 2020, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ước tính cả năm 2020 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 17% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%. Có thể nói, thị trường bảo hiểm đang là “miếng bánh màu mỡ” đối với các tổ chức bán lẻ, trong đó có ngân hàng. Bancassurance vì vậy đã và đang trở thành xu thế.
Từ những ngày đầu năm 2020, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và SSB đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác, phân phối bảo hiểm độc quyền trong vòng 20 năm. JP Morgan là đơn vị tư vấn duy nhất cho SSB trong quá trình lựa chọn đối tác bảo hiểm độc quyền này.
Ngày 14/12/2020 tại Hà Nội, CTG và Công ty TNHH Manulife Việt Nam thuộc Tập đoàn Tài chính Manulife ký kết Thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng. Thỏa thuận này sẽ mang về mức phí khoảng 350 triệu USD cho CTG.
Trước CTG, VCB cũng đã thu lợi khủng từ hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bancassurance với FWD. Giá trị của hợp đồng không được tiết lộ tuy nhiên theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, đạt giá trị cao nhất trong lịch sử ngân hàng, bảo hiểm Việt Nam.
Gần đây, ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Sun Life Financial, đã công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm tại Việt Nam. Theo ước tính, giá trị thương vụ lên đến 370 triệu USD tương đương 8,500 tỷ đồng.
Trong năm 2021, thị trường dự kiến sẽ đón thêm một số thương vụ hợp tác độc quyền giữa bảo hiểm với ngân hàng được ký kết.
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|