Góc nhìn đầu tư 2021: Ngành điện (Kỳ 1)
Ngành điện Việt Nam là một trong những ngành then chốt, hấp dẫn nhà đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và được kỳ vọng tiếp tục phát triển trong tương lai.
Nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng lên
Nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng trong những năm qua. Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở mức cao khiến hoạt động sản xuất điện hiện tại phải nỗ lực và liên tục phát triển để đáp ứng hoàn toàn nhu cầu cho sinh hoạt và sản xuất.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung khoảng 6.6 tỷ kWh vào năm 2021 và 11.8 tỷ kWh năm 2022.
Chuỗi giá trị (Value Chain) của ngành điện Việt Nam
Nếu như năm 2010 sản lượng điện toàn hệ thống chỉ đạt 93.99 tỷ kWh thì đến năm 2019 đạt tới 239.81 tỷ kWh và năm 2020 đạt 250.02 tỷ kWh, tăng 4.3% so với năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) giai đoạn 2010-2020 lên đến 10.28%. Như vậy, có thể thấy nhu cầu điện năng của nước ta đang tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định qua từng năm. Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tổng sản lượng điện năm 2021 sẽ đạt 267.9 tỷ kWh, tăng 7.15% so với năm 2020.
Theo Viện Năng lượng, nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 8%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Động lực tăng trưởng chính trong thời gian tới vẫn sẽ đến từ sự tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nguồn: EVN
Tiềm năng khai thác thủy điện không còn nhiều
Nhiều nghiên cứu đánh giá đã chỉ ra rằng, Việt Nam có thể khai thác được nguồn công suất thủy điện vào khoảng 25 - 26 ngàn MW, tương ứng với khoảng 90 - 100 tỷ kWh điện năng.
Trong giai đoạn từ năm 2013 trở về trước, công suất đặt của thủy điện luôn chiếm phần lớn và là nguồn sản xuất điện chính của Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc tính của thủy điện là phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện vào những năm xảy ra hiện tượng El Nino. Đồng thời, khí hậu và thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn, hạn hán thường xuyên xảy ra khiến cho thủy điện không thể là nguồn cung điện ổn định và an toàn.
Theo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ cấu công suất có sự thay đổi dần theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, tăng dần tỷ trọng nguồn nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. Tỷ trọng thủy điện cũng sẽ giảm dần do hiện đã khai thác gần hết tiềm năng. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng 35% vào năm 2020, 25% vào năm 2025, 18% vào năm 2030 và giảm xuống chỉ còn 8% vào năm 2050.
Nguồn: Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)
Các công ty tiêu biểu
CTCP Sông Ba (HOSE: SBA)
Giá cổ phiếu xuất hiện điều chỉnh khi test ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 16,000/cp). Tuy nhiên, đường SMA 50 ngày đang là hỗ trợ tốt cho giá ở nhịp điều chỉnh này.
Đường SMA 50 ngày cũng đang nằm trên các đường SMA 100 ngày và đường SMA 200 ngày nên xu hướng tăng vẫn đang là xu hướng chính của SBA.
Mục tiêu trong dài hạn của SBA sẽ là vùng 18,500-19,000 (ngưỡng Fibonacci Projection100%). Nếu bứt phá hoàn toàn khỏi ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8% thì đà tăng dài hạn sẽ được củng cố.
Nguồn: VietstockUpdater
CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH)
Đường SMA 50 ngày cắt xuống dưới đường SMA 100 ngày tạo điểm giao cắt tử thần (death cross). Nếu trạng thái này vẫn được duy trì trong những phiên tới thì tình hình không mấy khả quan.
Vùng 18,000-18,500 (đỉnh cũ tháng 05/2020 hội tụ cùng đường SMA 200 ngày) đang đóng vai trò hỗ trợ của giá cổ phiếu VSH. Nếu giá vẫn giữ vững vùng này thì tình hình không quá bi quan.
Chỉ báo MACD đang cho tín hiệu mua trở lại và đang tiến gần ngưỡng 0. Nếu vượt lên trên ngưỡng này thì tình hình sẽ tích cực hơn.
Nguồn: VietstockUpdater
Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|