Thứ Ba, 01/12/2020 11:00

MPC - Còn nhiều khó khăn

Hoạt động xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng tích cực trong 3 quý vừa qua, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) được biết đến như là doanh nghiệp dẫn đầu trong mảng này ở Việt Nam.

* Đường trở lại gập ghềnh của "Vua tôm" Minh Phú

Hoạt động xuất khẩu tôm tăng trưởng tích cực

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 2.7 tỷ USD, tăng 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ tháng 1, xuất khẩu tôm giữ được đà tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay.

Mỹ là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng gần 24%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 634.4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ chủ yếu để phục vụ phân khúc bán lẻ.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13.8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 371 triệu USD, tăng 2.3%. Tuy nhiên, MPC chưa thể hưởng lợi nhiều từ EVFTA trong thời gian đầu vì thuế suất giảm đối với mặt hàng tôm tươi. Trong những năm tới khi các mặt hàng như tôm luộc được giảm thuế suất thì tình hình mới được cải thiện.

Bên cạnh EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, nông sản, thủy sản… Hầu hết những nước tham gia vào hiệp định RCEP đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng này. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), RCEP tích hợp một số hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, doanh nghiệp xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, RCEP còn giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường nhờ hưởng ưu đãi về thuế quan.

Nguồn: VASEP

Doanh thu giảm và lợi nhuận ròng tăng sau 9 tháng đầu năm

Khép lại 9 tháng đầu năm 2020, MPC ghi nhận doanh thu thuần giảm 22% so cùng kỳ, còn 9,982 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt giảm 50% và 30%. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng đến 69%, đến từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Kết quả, lợi nhuận ròng tăng 23%, đạt hơn 477 tỷ đồng. Như vậy, MPC đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lãi sau thuế năm 2020.

MPC lên kế hoạch mở rộng vùng nuôi tại Kiên Giang, Lộc An để thả nuôi khoảng trên dưới 1,000 ao và kết hợp xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao thông qua áp dụng các mô hình như thu tỉa ba giai đoạn, mô hình ba sạch, mô hình semi Biofloc, nuôi trong bể nổi,... nhằm có nguồn nguyên liệu ổn định.

Nguồn: VietstockFinance

Vướng vào vụ kiện lẩn tránh thuế chống bán phá giá

Ngày 13/10/2020 vừa qua, Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) dựa theo Đạo luật Thực Thi và Bảo Hộ (EAPA) và công bố kết luận: Sản phẩm tôm đông lạnh do MPC xuất khẩu vào thị trường Mỹ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ, bởi vì Minh Phú không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu bởi CBP để chứng minh Công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ để xuất khẩu đi Mỹ.

Sau điều tra, CBP nhận định MPC đã vi phạm Lệnh thuế chống bán phá giá đang áp trên tôm Ấn Độ. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi MPC từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.

MPC cho biết sẽ kháng cáo đối với quyết định của CBP. Trong quá trình chờ đợi kết quả kháng cáo, MPC sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo phán quyết của CBP không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh xuất khẩu vào Mỹ.

Định giá cổ phiếu

Do MPC đang sở hữu vị trí dẫn đầu trong mảng xuất khẩu tôm ở Việt Nam nên không có so sánh tương đương từ các cổ phiếu đang giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM do quy mô của những doanh nghiệp này tương đối nhỏ so với MPC. Chính vì vậy, việc sử dụng các cổ phiếu nội địa làm mẫu so sánh ngang để định giá MPC sẽ không được hợp lý và toàn diện.

Người viết sử dụng các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới có mức vốn hóa thị trường bằng hoặc lớn hơn MPC để làm cơ sở tính giá trị hợp lý của cổ phiếu MPC. Để đảm bảo tính phù hợp, các doanh nghiệp được chọn chủ yếu nằm trong khu vực châu Á.

Nguồn: Investing.com

Mức P/E và P/B trung vị của nhóm cổ phiếu cùng ngành lần lượt là 14.04 và 1.44 lần. Với tỷ trọng tương đương giữa các phương pháp P/E, P/B, DDM và RIM chúng ta tính được mức định giá hợp lý của MPC là 30,052 đồng.

Vì vậy, nhà đầu tư có thể canh mua cho mục tiêu đầu tư dài hạn nếu giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức 21,000 (chiết khấu khoảng 30% so với giá trị định giá).

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   PLX - Hạn chế mua vào nếu giá trên mức 52,000 (20/11/2020)

>   GMD - Cổ phiếu có tiềm năng nhưng giá khá đắt (18/11/2020)

>   TPB - Tiếp tục canh mua (12/11/2020)

>   SHB - Giá tăng mạnh nhưng kết quả kinh doanh chưa tương xứng (09/11/2020)

>   PNJ - Liệu có lấy lại đà tăng trưởng? (05/11/2020)

>   TCM - Vươn lên trong gian khó (03/11/2020)

>   VCB - Canh mua khi có điều chỉnh (26/10/2020)

>   TRA - Chưa tận dụng hết lợi thế ngành (22/10/2020)

>   HPG - Tiếp tục tích cực? (15/10/2020)

>   LTG - Đa dạng hóa không phải lúc nào cũng tốt (12/10/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật