Nhiều thành phố tại Trung Quốc chìm trong bóng tối
Hàng loạt thành phố Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, buộc phải hạn chế tiêu thụ điện tại các nhà máy và văn phòng, thậm chí tắt đèn đường.
Khi màn đêm buông xuống tại Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang hôm 14/12, cả thành phố chìm trong bóng tối. Chính quyền Nghĩa Ô - một trung tâm thương mại lớn ở Trung Quốc - thông báo tiếp tục tắt đèn đường trong hai đêm kế tiếp nhằm "giảm tiêu thụ điện năng và chống ô nhiễm".
"Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây thành phố tắt đèn đường vì nguyên nhân này", Nikkei Asian Review dẫn lời một người dân địa phương cho biết. Ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, nhà chức trách cũng tắt điện tại nhiều địa điểm trong thành phố.
"Chính quyền yêu cầu tắt đèn các bảng quảng cáo ngoài trời để giảm tiêu thụ điện", nhân viên một trung tâm mua sắm ở trung tâm Trường Sa kể. Ngoài Nghĩa Ô và Trường Sa, một số thành phố khác tại Trung Quốc cũng luân phiên cắt điện trong tháng này do sản xuất công nghiệp và nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông gây sức ép lớn lên nguồn cung điện.
Tổng tiêu thụ điện của Trung Quốc trong tháng 11 đạt 646,7 tỷ kwh, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong hai năm qua. Trong 11 tháng đầu năm, sản lượng điện tiêu thụ trên cả nước này trung bình tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành phố Nghĩa Ô tắt đèn đường để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Reuters.
|
Áp lực lớn đối với nguồn cung điện
Tiêu thụ điện tăng vọt cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 có nguồn gốc từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Sản lượng công nghiệp nước này tăng tốc nhanh ở thời điểm cuối năm, xuất khẩu đạt kỷ lục trong tháng 11. Ngoài ra, mùa đông lạnh hơn bình thường và việc chính quyền nhiều địa phương nỗ lực giảm khí thải cũng gây áp lực lớn với các nhà máy phát điện.
Các văn phòng tại khu công nghiệp ở huyện Nhạc Lộc, thành phố Trường Sa bị cắt điện từ sáng 15/12. Nhóm công ty đặt trụ sở tại đây được yêu cầu phải hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm. "Ngay cả điện thoại di động của tôi cũng mất tín hiệu, có thể do trạm phát gần đây mất điện", một nhân viên cho biết.
Hôm sau, quản lý của khu công nghiệp thông báo sẽ áp dụng cắt điện luân phiên cho tới ngày 18/12. Toàn bộ khu công nghiệp chỉ được cung cấp lượng điện bằng 20% nhu cầu tiêu thụ hàng ngày. Trước đó, nhiệt độ giảm rất mạnh tại tỉnh Hồ Nam.
Điện lực Hồ Nam cho biết tiêu thụ điện năng trên toàn tỉnh từ ngày 15 đến ngày 17/12 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các nhà máy liên tục hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong tháng 11, ngành sản xuất máy móc ở Hồ Nam tiêu thụ lượng điện cao hơn 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu sử dụng điện ở Trung Quốc tăng vọt những tháng cuối năm. Ảnh: Caixin.
|
Hồ Nam chật vật với tình trạng thiếu điện từ đầu thập niên 2000, chủ yếu trong mùa hè do thiếu nguồn than dự trữ và phải dựa dẫm quá nhiều vào điện nhập khẩu. Tình hình được cải thiện trong những năm gần đây sau khi Trung Quốc xây dựng mạng lưới điện phục vụ các khu vực miền Tây đất nước.
Năm nay, tiêu thụ điện trong mùa đông của Hồ Nam đạt mức kỷ lục 31,5 triệu kW. Tuy nhiên, công suất phát điện của tỉnh vẫn chỉ ở mức 29 triệu kW. Giới quan sát dự báo Hồ Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng trong những ngày tới.
Trong khi đó, tình trạng thiếu điện ở Nghĩa Ô xuất phát từ việc chính quyền địa phương muốn nhanh chóng đáp ứng các quy định về kiểm soát khí thải. Ngày 12/12, chính quyền Nghĩa Ô ra lệnh hạn chế sử dụng điện. Trước đó, chính quyền tỉnh Chiết Giang yêu cầu các thành phố trực thuộc tỉnh phải đáp ứng các mục tiêu kiểm soát ô nhiễm vào cuối năm nay.
Đây là cú đòn nặng giáng vào nhiều nhà máy sản xuất quy mô nhỏ ở Nghĩa Ô. Các doanh nghiệp này đã lao đao suốt năm 2020 vì tác động của dịch Covid-19.
Cuộc chiến than - điện
Tình trạng thiếu hụt điện khiến cuộc "nội chiến" giữa ngành khai thác than và ngành sản xuất điện của Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Giá than tăng cao gần đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc.
Than là nguyên liệu sản xuất khoảng một nửa sản lượng điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, nguồn cung cấp than trong nước đã bị thắt chặt do một loạt sự cố tai nạn trong hoạt động khai thác, nhập khẩu lao dốc và chiến dịch cắt giảm sản xuất điện từ nguyên liệu hóa thạch để giảm phát thải của đất nước.
Một nhân viên công ty kinh doanh than địa phương cho biết giá than đã tăng 14% trong hai tuần qua và cao hơn 20% so với một năm trước. Bên cạnh đó, dữ liệu từ chính phủ cho thấy lượng than dự trữ trên toàn tỉnh Hồ Nam giảm 18,5% vào cuối tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích ngành điện Xue Jing cho biết chính phủ Trung Quốc nắm quyền định giá điện và ban hành các chính sách kiểm soát ô nhiễm. Trong khi giá than được thả nổi tự do, giá điện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.
Các đơn vị phát điện phải giữ giá điện ở mức thấp, thậm chí chạy lỗ để đảm bảo cung cấp điện. Nhân viên công ty điện lực Hồ Nam cho biết giá than ở tỉnh này tăng trên 800 NDT/tấn (122 USD) gần đây, có nghĩa nếu càng nhiều, các nhà máy điện càng lỗ to.
Các chuyên gia năng lượng nhận định Trung Quốc cần xem xét lại hệ thống định giá điện để đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Ảnh: SCMP.
|
Bên cạnh đó, chính phủ cũng không khuyến khích xây dựng thêm các nhà máy than nhiệt điện mới trong khi khi nguồn cung điện đang thiếu hụt, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung điện ngày càng trầm trọng. Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch Dầu khí Trùng Khánh, trong tháng 11 Trung Quốc thiếu hụt lượng khí đốt tự nhiên gần 1 tỷ m3.
Các chuyên gia cho rằng một giải pháp cơ bản có khả năng cải thiện tình trạng thiếu hụt điện là thay đổi chế độ định giá điện năng của Trung Quốc để phản ánh thực tế mối quan hệ giữa cung và cầu. Phương pháp này cho phép sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, nguồn cung điện tổng thể của Trung Quốc vẫn có thể đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên sẽ có khả năng thiếu hụt ngắn hạn vào những giờ cao điểm. Khi tình trạng thiếu điện xảy ra, chính quyền Trung Quốc thường lập tức áp dụng các biện pháp hành chính để giảm tiêu thụ tại các khu vực công nghiệp và bù đắp cho các hộ gia đình và ngành dịch vụ.
Ông Hou Shouli, giáo sư chính sách công nghiệp điện tại Đại học Nhân dân, cho biết chính quyền Trung Quốc thường dùng phương pháp chắp vá như vậy thay vì sử dụng cơ chế định giá để điều chỉnh mức tiêu thụ điện.
Bùi Ngọc
Zing.vn
|