Năm 2020, châu Á chứng kiến hàng loạt sự kiện lớn có tác động lớn đến nền kinh tế, từ đại dịch toàn cầu Covid-19, xung đột chính trị cho đến việc hình thành khối thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Trung Quốc (SCMP).
CHÂU Á ỨNG PHÓ VỚI COVID-19
Từ Thái Lan, Việt Nam cho đến Đài Loan (Trung Quốc), công tác ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19 trên khắp châu Á đạt hiệu quả cao và ổn định hơn nhiều so với tại châu Âu.
Theo SCMP, với các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và truy vết tiếp xúc trên diện rộng, Việt Nam đã kiểm soát thành công đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên hồi tháng 4 và trải qua gần 100 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong khi đó, Đài Loan đạt kỷ lục khi duy trì được 200 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng và đến nay ghi nhận chưa tới 1.000 ca nhiễm Covid-19.
Ở cả Việt Nam và Đài Loan, hoạt động kinh tế không chịu nhiều ảnh hưởng như những nơi buộc phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Ngược lại, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Nước này ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện cao kỷ lục vào tháng 12, khi nhà chức trách báo cáo hơn 200.000 ca bệnh mới mỗi ngày. Tại châu Âu, Anh cũng trải qua mùa thu với số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt khiến chính phủ buộc phải tái áp dụng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai vào tháng 11 - khi số ca nhiễm mới hàng ngày vượt mốc 30.000.
Theo ông Michael Baker, giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Otago ở Wellington (New Zealand), kết quả kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực khác nhau do sự khác biệt trong cách tiếp cận.
Giáo viên và học sinh tại một trường học ở Chiang Mai, Thái Lan đội mũ có tấm kính chắn giọt bắn và thước kẻ dài để duy trì giãn cách - Ảnh: AP
|
Các quốc gia châu Á Thái Bình Dương như Trung Quốc, New Zealand phần lớn nhắm tới việc dập dịch bằng cách giảm lây nhiễm trong cộng đồng về mức 0. Nhờ đó, các nước này có số ca tử vong thấp và phục hồi kinh tế nhanh chóng hơn. Trong khi đó, phần lớn quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh lại làm theo các biện pháp đã được áp dụng từ thời Đại dịch cúm năm 1918, theo đó chỉ nhằm giảm thiểu hoặc ngăn chặn nhưng không loại bỏ sự lây lan trong cộng đồng, giáo sư Baker nhận định.
"Do đó, các quốc gia này phải sống chung với Covid-19 và đang chịu cái giá đắt về cả kinh tế lẫn sức khỏe cộng đồng", ông Baker cho biết. Giáo sư này cũng nhấn mạnh rằng các loại vaccine Covid-19 ra đời sẽ giúp các nước dễ kiểm soát dịch bệnh hơn và triển vọng của khu vực châu Á "tương đối tích cực hơn so với phần còn lại của thế giới".
ÔNG SHINZO ABE TỪ CHỨC
Thông báo từ chức bất ngờ của ông Shinzo Abe - người giữ cương vị Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Nhật do vấn đề sức khỏe - hồi tháng 8 gây chấn động cả quốc gia này lẫn khu vực châu Á.
Theo SCMP, với 4 nhiệm kỳ thủ tướng kể từ năm 2006, ông Shinzo Abe đã có công nâng tầm vị thế và sự hiện diện của Nhật trên trường quốc tế với sự đột phá mà chưa lãnh đạo Nhật nào làm được kể từ Thế chiến 2.
Ông Shinzo Abe vẫy chào khi rời văn phòng thủ tướng tại Tokyo ngày 16/9 sau tuyên bố từ chức vào cuối tháng 8 - Ảnh: AP
|
Ngoài việc được biết đến với các chính sách kinh tế mang tính cách mạng được đặt theo tên mình (Abenomics), ông Abe cũng đã tìm cách sửa đổi những ràng buộc của hiến pháp đối với việc sử dụng vũ lực của quân đội Nhật.
Kế nhiệm ông Abe là Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga - người tuyên bố sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nghiệm. Theo ông Toshiya Takahashi, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Shoin, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của của thủ tướng Suga sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản năm 2021.
"Đảng LDP có thể hoặc không giảm số ghế tại hạ viện, nhưng nhiệm kỳ chủ tịch của LDP sẽ được giữ nguyên", ông Takahashi nhận định. Giáo sư này cho biết nguyên nhân nằm ở sự ủng hộ yếu ớt dành cho các đảng đối lập và sự ủng hộ của công chúng đối với sự ổn định trong bối cảnh đại dịch hiện nay.
"Nếu chính quyền của ông Suga hỗ trợ đầy đủ cho những người bị thiệt hại tài chính bởi Covid-19, thì sự ủng hộ của công chúng dành cho đảng LDP sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao", giáo sư Takahashi cho biết.
CĂNG THẲNG TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu leo thang từ giữa tháng 6 sau xung đột quân sự tại khu vực Thung lũng Galwan, phía tây Himalayas - thuộc khu vực biên giới có tranh chấp giữa hai quốc gia trong nhiều thập kỷ.
Bất chấp những kêu gọi giảm leo thang xung đột, đàm phán giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ chưa có tiến triển. Trong khi đó, căng thẳng đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ thương mại trị giá hơn 80 tỷ USD của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một lính Ấn Độ tại núi tuyết gần biên giới Ấn Độ - Trung Quốc vào tháng 11 - Ảnh: AFP
|
Ấn Độ đã trả đũa với việc ra lệnh gỡ bỏ hơn 100 ứng dụng di động của các công Trung Quốc tại nước này, bao gồm ứng dụng nổi tiếng TikTok, đồng thời bắt đầu hợp tác quân sự với các đối thủ của Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh lên tiếng cảnh báo về việc "thành lập các phe độc quyền" và nhắm tới các bên thứ ba.
Trong một báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, có trụ sở tại New Delhi, được công bố vào tháng 11, ông Abhijit Singh - thành viên cấp cao của Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát - cho biết nhiều nhà phân tích Ấn Độ đang ủng hộ chiến lược chặn các tàu chở dầu, tàu container và tàu chở hàng của Trung Quốc qua Kênh đào Ten Degree ở Quần đảo Andaman và Nicobar - tuyến biển mà nhiều tàu đi qua để tới Eo biển Malacca.
KÝ KẾT RCEP
Sau 8 năm với 31 vòng đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức được ký kết theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội ngày 15/11. Đây là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, được ký kết giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại lớn bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Ấn Độ trước đó đã rút khỏi hiệp định do lo ngại về việc hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường nội địa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết RCEP ngày 15/11 được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội - Ảnh: VNA
|
Chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu và bao phủ thị trường với 2,2 tỷ dân, RCEP được xem là biểu tượng của sự miễn dịch đối với những tác động kinh tế mà đại dịch Covid-19 đang gây ra trên toàn cầu.
Theo các nhà phân tích, việc 15 quốc gia đặt bút ký hiệp định này cũng sẽ gây áp lực đối với Mỹ - quốc gia giữ lập trường "nước Mỹ trên hết" trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Họ cho rằng chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể phải cân nhắc lại lập trường này trong những năm tới.
Giới phân tích nhận định nếu Washington tiếp tục đứng ngoài xu hướng thương mại đa phương, nước này sẽ mất dần vị thế tại châu Á vào tay Trung Quốc - quốc gia đang tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước láng giềng và đang hưởng lợi từ các mối quan hệ hợp tác đó.