Thứ Năm, 05/11/2020 16:27

'Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI là điều khó chấp nhận'

TS Vũ Thành Tự Anh đánh giá hơn 30 năm qua, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào doanh nghiệp FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc như hiện nay.

Khu Công nghệ cao TP.HCM tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài. ẢNH: ĐỘC LẬP

Sáng 5.11, Viện Chiến lược phát triển (thuộc Bộ KH-ĐT) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên sâu về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong thời kỳ chiến lược 2021 - 2030.

Doanh nghiệp tư nhân nhiều về số lượng, kém về chất lượng

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam nhìn nhận hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam quyết định đi theo kinh tế thị trường nhưng chưa bao giờ đi hết con đường này một cách chân thành và trọn vẹn, dẫn đến tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra và ngày càng thấp. Đỉnh tăng trưởng giảm dần trong 2 thập niên vừa qua, thập niên 2011 - 2020 còn 7,1% nên mục tiêu tăng trưởng 7% thập niên tới sẽ khó khăn nếu không có bứt phá.

Sự tăng trưởng dài hạn của quốc gia phụ thuộc vào năng suất và khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra năng suất nhưng Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong đó, lực lượng lao động đang giảm dần, Việt Nam đã vượt qua đỉnh dân số vàng (2012 - 2014), giai đoạn tới dân số già đi khiến tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm đi. Nếu năng suất lao động không tăng thêm để bù đắp vào thì khó đạt tăng trưởng kinh tế 7%.

TS Vũ Thành Tự Anh trình bày tại hội thảo Ảnh: Nguyên Vũ

TS Tự Anh cũng chỉ ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế, khu vực tư nhân và nước ngoài ngày càng đóng vai trò trụ cột, hiện đang chiếm 90% lực lượng lao động, 80% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% GDP và khoảng 65% tổng đầu tư xã hội.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân nội địa (với khoảng 750.000 doanh nghiệp) lại thấp ổn định trong 20 năm qua ở mức 10% GDP, tỉ trọng chưa bằng ½ khu vực FDI (khoảng 20.000 doanh nghiệp) và chưa bằng 1/3 của khu vực cá thể. “Khu vực doanh nghiệp tư nhân rất nhiều về số lượng nhưng yếu về chất lượng. Nếu không cải thiện được vấn đề này thì triển vọng của kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới sẽ không thể sáng sủa”, TS Tự Anh nhận định.

Có hàng loạt lý do dẫn đến bất cập trên, dù đã được thảo luận, phân tích nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn. Hiện có 4 rào cản gồm: quyền sở hữu chưa được bảo vệ hữu hiệu, bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, sự nhũng nhiễu của bộ máy nhà nước và cuối cùng là thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường có hiệu quả.

Bất cập phân bổ nguồn lực đầu tư

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào FDI là điều rất khó chấp nhận, và nếu muốn tạo ra nội lực thì không thể phụ thuộc vào FDI như hiện nay. Việt Nam đã rơi vào bẫy của công nghiệp chế tạo chế biến, gia công với giá trị thấp, kỹ năng thấp và rất khó để rút ra. Chưa kể, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ 2,2% nhưng tốc độ tăng lương tối thiểu tăng 10,2%, và 10 năm nữa chi phí lao động ở Việt Nam sẽ giống như Trung Quốc hiện nay. Lúc đó, Việt Nam không còn lợi thế lao động nữa.

Kinh tế Việt Nam đang phụ phụ thuộc vào FDI, thể hiện qua các con số 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 30% lao động... Nghiêm trọng hơn, sự phụ thuộc này không phải ngắn hạn mà có tính cơ cấu, sẽ phụ thuộc trong trung hạn và dài hạn vì các doanh nghiệp Việt Nam không kết nối vào được chuỗi giá trị toàn cầu mà chỉ là nơi gia công.

Các mặt hàng xuất khẩu chính như điện thoại, linh kiện, điện tử, máy tính, giày da túi sách nhưng nguyên liệu đầu vào lại phải nhập khẩu, như vậy doanh nghiệp Việt Nam được gì trong xuất khẩu.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải trầm trọng. Ảnh: Độc Lập

Ngoài ra, TS Vũ Thành Tự Anh cũng chỉ ra bất cập trong bức tranh phân bổ nguồn lực của vùng kinh tế phía Nam đóng góp nhiều cho ngân sách nhưng mức tái đầu tư thì thấp. Điển hình là trong tổng số 1.300 km đường cao tốc ở Việt Nam hiện nay thì chỉ cả Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cộng lại chỉ khoảng 100 km, tương đương 7% dù đóng góp tới 45% GDP và 42% thu ngân sách.

“Chúng ta đang bàn đầu tư nguồn lực cho nơi nào hiệu quả nhất, đây rõ ràng là khu vực sử dụng nguồn hiệu quả nhưng mà đầu tư không có. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì phải chấp nhập cả nền kinh tế sẽ bị kéo xuống”, TS Tự Anh nhận định.

TS Vũ Thành Tự Anh cũng so sánh tỉ lệ thu chi ngân sách ở TP.HCM và Hà Nội. Theo đó, tỉ lệ giữ lại của TP.HCM giảm liên tục từ 29% giai đoạn 2004 - 2006 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020, trong khi Hà Nội tăng từ 32% lên 35%. Dù vậy, 10 năm qua, mức thu của Hà Nội chỉ bằng 70% của TP.HCM nhưng chi thì bằng 150%. Nếu tiếp tục phân bổ ngân sách về mặt chính trị thì phải chấp nhận hệ quả của nó là tăng trưởng chỉ được 6 - 7 %, nếu phân bổ ngân sách hợp lý thì có thể đạt mức độ tăng trưởng 8 - 10%.

Sỹ Đông

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Vốn đầu tư vào khu công nghiệp tăng gần 50% (05/11/2020)

>   Nguyên Chủ tịch HĐQT Petroland chuẩn bị hầu tòa ở TP HCM (05/11/2020)

>   Bộ Công an khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM (05/11/2020)

>   'Thủy điện xả lũ đúng quy trình mà dân thiệt hại nặng thì ăn nói sao?' (05/11/2020)

>   ĐBQH đặt vấn đề trách nhiệm của 'Chính phủ tiền nhiệm' ở đại dự án lọc dầu Nghi Sơn (05/11/2020)

>   Xem lại hiệu quả của 'siêu ủy ban quản lý vốn' (05/11/2020)

>   Hải quan thu ngân sách giảm 14,66% (04/11/2020)

>   TPHCM muốn thu phí hạ tầng cảng biển ngay trong năm 2021 (04/11/2020)

>   Kỳ vọng vắc xin Covid-19 Việt Nam: Sẵn sàng quy trình sản xuất đại trà (04/11/2020)

>   Amazon có thể giúp doanh nghiệp Việt cơ hội xuất khẩu (04/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật