Thứ Năm, 05/11/2020 08:44

Xem lại hiệu quả của 'siêu ủy ban quản lý vốn'

Báo cáo chậm, nhiều dự án trọng điểm vẫn bị ách tắc, mô hình quản lý với cơ chế thiếu rõ ràng… khiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang trở thành “cỗ máy” khá ì ạch, hoạt động chưa hiệu quả.

Xem lại hiệu quả của ‘siêu ủy ban quản lý vốn’
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa thể hoạt động. Ảnh: PVN

Quá hạn, không gửi báo cáo giám sát doanh nghiệp

Được thành lập năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) là cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện Ủy ban đang quản lý 7 tập đoàn và 12 tổng công ty từ các bộ, ngành, được Chính phủ giao trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỉ đồng và 820.000 tỉ đồng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính vừa qua cho thấy, kết quả hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty trong năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 99.832 tỉ đồng; tổng nộp ngân sách hợp nhất đạt hơn 221.000 tỉ đồng.

Trong 6 tháng năm 2020, báo cáo tài chính hợp nhất, tổng doanh thu của 18/19 tập đoàn, tổng công ty đạt 731.073,63 tỉ đồng, bằng 43,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của 18/19 tập đoàn, tổng công ty trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15.169 tỉ đồng, chỉ bằng 21,3% kế hoạch năm. Trong đó, có 5/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, đặc biệt là Tổng công ty Hàng không lỗ 7.474 tỉ đồng, Tập đoàn Xăng dầu lỗ 1.360 tỉ đồng...

Với vai trò đại điện phần vốn, nhiệm vụ quan trọng của Uỷ ban là phải đánh giá, xếp hạng và giám sát tài chính các DN nhà nước trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã phải báo cáo Thủ tướng về việc Uỷ ban chưa gửi kết quả giám sát tài chính của 6/19 DN. Về báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại DN, tính đến thời điểm ngày 30.9.2020, mặc dù đã quá thời hạn theo quy định là 4 tháng, một số bộ, ngành trong đó có Ủy ban cũng chưa gửi báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ về Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, nhiều dự án trọng điểm quốc gia khi được chuyển về Ủy ban quản lý vẫn chưa được tháo gỡ khó khăn, chậm tiến độ. Đặc biệt là hàng loạt dự án trọng điểm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) như dự án khí Lô B, Cá voi xanh, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1. Đơn cử như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đến nay vẫn còn một loạt vướng mắc chưa thể đưa vào hoạt động do thiếu cơ chế hướng dẫn, dù đến giữa tháng 10.2020, dự án nguồn điện này đã giải ngân 1,1 tỷ USD và xấp xỉ 12.000 tỉ đồng. Trước đó, rất nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty phải “kêu” lên Thủ tướng.

Nhiều dự án lớn vẫn bị chậm tiến độ dù được đưa về cho Ủy ban quản lý. Ảnh minh hoạ

Không phù hợp phải thay đổi

Ông Mai Hồng Hải, đại biểu Quốc hội Hải Phòng, cho rằng về quản trị DN nhà nước tốt hay không phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của DN, từ trách nhiệm của người chủ sở hữu thực sự của DN đó.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước cần tập trung xây dựng và quản trị chiến lược phát triển DN, gắn với cơ cấu lại trong nội bộ DN đó; trao quyền chủ động cho DN trong phạm vi chiến lược, đề án cơ cấu đã được phê duyệt”, ông Hải đề xuất.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế gửi Quốc hội tại kỳ họp 10, khoá 14, đánh giá trong nhiệm vụ cơ cấu lại DN nhà nước cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế khi mô hình quản trị chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; thông tin về DN thiếu tính minh bạch.

Đặc biệt, việc thực hiện cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ còn chậm, chưa triệt để. Hiệu quả hoạt động của DN nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Trước những bất cập trên, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư, cho biết Ủy ban phải là tổ chức đầu tư vốn chứ không phải đầu tư dự án. Ủy ban được phép đầu tư vốn vào các DN còn đầu tư như thế nào là quyền tự chủ kinh doanh của DN. Vai trò của Ủy ban là giao mục tiêu để DN thực hiện chứ không phải giao từng dự án. Các mục tiêu giao cho DN có thể dựa trên các chỉ tiêu như: tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh… Hiện nay, Uỷ ban hoạt động chưa đúng với mô hình đó.

Theo các chuyên gia, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban cũng không dừng lại ở việc đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ủy ban được thành lập thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, quản lý phát triển vốn nhà nước tại DN mà không can thiệp vào việc sản xuất kinh doanh - thuộc thẩm quyền được quyết định của lãnh đạo DN. Ủy ban không phải là nhà kinh doanh mà là nhà đầu tư vào DN và phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên DN. Do đó, cần thiết phải đánh giá lại hiệu quả của mô hình này, nếu không phù hợp phải thay đổi.

Anh Vũ

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Hải quan thu ngân sách giảm 14,66% (04/11/2020)

>   TPHCM muốn thu phí hạ tầng cảng biển ngay trong năm 2021 (04/11/2020)

>   Kỳ vọng vắc xin Covid-19 Việt Nam: Sẵn sàng quy trình sản xuất đại trà (04/11/2020)

>   Amazon có thể giúp doanh nghiệp Việt cơ hội xuất khẩu (04/11/2020)

>   Mua sắm trên chợ mạng tại Việt Nam tăng kỷ lục (04/11/2020)

>   Ông Nguyễn Văn Bình bị đề nghị xem xét kỷ luật (03/11/2020)

>   Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc (03/11/2020)

>   Tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân trong đầu tư công (03/11/2020)

>   Thêm đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam không có nhà đầu tư, sắp chuyển đầu tư công? (03/11/2020)

>   Doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại kép (03/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật