Thứ Ba, 24/11/2020 11:01

Trung Quốc thắng thầu xây dựng hạng mục chính của sân bay Campuchia

Một công ty quốc doanh của Trung Quốc thắng thầu hạng mục chính của sân bay quốc tế mới tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Nikkei Asia đưa tin.

Theo đó, Metallurgical Corporation of China (MCC) đã thắng thầu trị giá 2.67 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 405 triệu USD) để thiết kế và thi công cảng bay - hạng mục chính của một sân bay mới tại Phnom Penh. Tổng kinh phí 1.5 tỷ USD xây dựng cảng bay này gần như toàn bộ đều do Trung Quốc cấp.

Đối với Campuchia, sân bay mới này thuộc một phần trong chiến lược thúc đẩy ngành du lịch của Chính phủ, trong đó gồm một khu nghỉ dưỡng gần Angkor Wat. Tuy nhiên, tính khả thi lâu dài của dự án đang va phải nhiều sự hoài nghi giữa lúc nhiều dự án khác cũng đang được lên kế hoạch thực thiện.

Về phía MCC, gói thầu này là một chiến thắng quan trọng, là hợp đồng ký kết với nước ngoài lớn nhất của công ty trong năm nay. Gói thầu cảng bay với Chính phủ Campuchia vượt xa gói thầu trị giá 1.26 tỷ Nhân dân tệ của MCC được trao hồi tháng 2 để thiết kế xà xây dựng Khu Wanli Rainforest Northern tại Singapore.

Hợp đồng của MCC chiếm khoảng 30% tổng ngân sách dành cho sân bay mới, theo hồ sơ nộp lên cả 2 sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải hồi đầu tuần này.

Trong khi đại dịch Covid-19 làm giảm số lượng dự án ở nước ngoài được thực hiện trong năm nay, MCC đã dựa vào các công trình công trong nước để duy trì doanh thu. Nhu cầu nội địa đã giúp các hợp đồng mới ký của MCC đạt 803.32 tỷ Nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2019.

MCC và các công ty con cũng đã có một số dự án tại Vương quốc, gồm một dự án phát triển ven biển gây tranh cãi do Union Development Group thực hiện. Là đối tác gần gủi với Trung quốc, quốc gia 16 triệu dân đã thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư công và tư nhân của Trung Quốc, phần lớn dưới khuôn khổ chương trình cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sân bay mới tại Phnom Penh có diện tích gần 700 ha và là một phần của khu dân cư và thương mại rộng khoảng 2,600 ha - đang được Tập đoàn Đầu tư nước ngoài Campuchia (OCIC) giám sát thi công.

OCIC, do doanh nhân Pung Kheav Se điều hành, đã đầu tư 280 triệu USD và nắm 90% cổ phần dự án sân bay này, trong khi Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia (SSCA) sở hữu 10% còn lại. 

Các công ty liên quan khác gồm China State Construction Engineering - một doanh nghiệp quốc doanh khác của Trung Quốc - đang xây dựng nhà ga và Công ty Foster & Partners của Anh phụ trách thiết kế cảng bay.

Việc xây dựng cảng bay mới tại Phnom Penh dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022 và đưa vào khai thác giai đoạn đầu vào năm 2023. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết sân bay mới này là một phần trong chiến lược thúc đẩy mạnh ngành du lịch của Chính phủ.

Việc MCC của Trung Quốc giành được gói thầu sân bay mới này dường như đang làm tăng nguy cơ mất vai trò chính của Công ty Cambodia Airports, thuộc sở hữu của Pháp, trong lĩnh vực hàng không của Vương quốc.

Cambodia Airports do công ty Vinci của Pháp sở hữu 70% và Liên doanh Malaysia-Campuchia Muhibbah Masteron Campuchia sở hữu 30%. Cambodia Airports sở hữu một thỏa thuận độc quyền khai thác các sân bay quốc tế hiện hữu của Campuchia đến năm 2040.

Tuy nhiên, tương lai của Cambodia Airports dường như đang trở nên bất định. Hồi tháng 6, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ với phóng viên rằng cảng bay hiện tại tại Phnom Penh sẽ được dùng để khai thác các chuyến bay nội địa, vận chuyển hàng hóa, đón tiếp các phái đoàn nhà nước và dùng cho mục đích quân sự.

Sinn Chanserey Vutha, người phát ngôn của SSCA cho biết hiện đang diễn ra các cuộc thảo luận "ở mức độ cao" với Cambodia Airports về vai trò trong tương lai hoặc mức độ bồi thường.

Ông Vutha nói: “Các cuộc đàm phán này sẽ mất nhiều thời gian, không phải một hoặc hai năm mà có thể đến vài năm”.

Về phía Cambodia Airports, công ty từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này và cho rằng công ty chưa công khai đưa ra bất cứ bình luận nào vào thời điểm này.

Khai Tâm (Theo Nikkei Asia)

FiLi

Các tin tức khác

>   Myanmar: Covid-19 khiến kinh doanh trực tuyến bùng phát, thiếu container trầm trọng (21/11/2020)

>   Myanmar: Làn sóng Covid-19 thứ 2 tác động đến doanh nghiệp trong nước nghiêm trọng hơn (20/11/2020)

>   Myanmar sẽ giới thiệu ứng dụng đầu tư trực tuyến (12/11/2020)

>   Ngành du lịch Campuchia mất gần 51,000 việc làm (11/11/2020)

>   Chính phủ Campuchia thảo luận giải pháp thu thuế quảng cáo kỹ thuật số (10/11/2020)

>   Thương mại song phương Campuchia-Mỹ vẫn mạnh trong giai đoạn đại dịch (09/11/2020)

>   Chính phủ Campuchia kêu gọi tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa (07/11/2020)

>   Doanh nghiệp Campuchia ồ ạt tham gia nền tảng đăng ký doanh nghiệp trực tuyến (05/11/2020)

>   Myanmar tìm thêm thị trường xuất khẩu cà phê (04/11/2020)

>   Campuchia: Dự luật Đầu tư mới sẽ hoàn thiện trong tháng 11 (02/11/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật