Chính phủ Campuchia kêu gọi tăng tiêu thụ sản phẩm nội địa
Tại phiên thảo luận giữa Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới (MISTI) và đại diện các siêu thị tại Campuchia về chủ đề “Xúc tiến sản phẩm Campuchia”, MISTI kêu gọi tất cả chủ siêu thị hãy tiêu thụ thêm những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm được sản xuất tại Campuchia, theo Phnom Penh Post.
Quốc Vụ khanh MISTI, ông Kim Touch, cho biết phiên thảo luận này tập trung chủ yếu vào các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Vương quốc đối mặt. Theo ông Touch, tất cả bên liên quan sẽ cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi để nhiều sản phẩm của SME được bày bán tại các siêu thị trong nước.
Ông Touch nói: “Những phiên thảo luận như thế rất quan trọng nhằm đưa ra các giải pháp và tạo cơ hội để hỗ trợ sản phẩm trong nước trong lĩnh vực thực phẩm và ngoài thực phẩm”. Ông Touch cũng lưu ý khối lượng sản phẩm trong nước được trưng bày trên kệ hàng các siêu thị tại Phnom Penh còn rất ít, thế nên, tất cả bên liên quan phải cùng nhau hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm trong nước đến các thị trường chính và kích thích tăng trưởng hơn nữa. Ông nói thêm: “Với tư cách là người bảo vệ các SME, Bộ cam kết tiếp tục làm việc với các chủ siêu thị để nới lỏng những yêu cầu tiêu chuẩn phù hợp nhằm cho phép các SME có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị tại Campuchia”.
Về phía đại diện siêu thị, Thel Veasna, Giám đốc quản lý đơn hàng thực phẩm của nhà điều hành và phát triển trung tâm thương mại Aeon (Cambodia), cho biết các Trung tâm mua sắm Aeon luôn là những người ủng hộ trung thành các sản phẩm của Campuchia, với hơn 2,000 mặt hàng đang được bày bán trên các kệ hàng ở hai Trung tâm mua sắm Aeon tại Phnom Penh.
Odom, đại diện của Công ty bán lẻ A Makro (Cambodia), cho biết công ty đang thực hiện vai trò trong việc quảng bá sản phẩm trong nước. Ông cũng cho biết hồi tháng 9, Makro đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) với Bộ Thương mại về phát triển chuỗi giá trị để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp thương mại cho nhà bán lẻ này. Theo ông Odom, MoU này là một phần trong dự án “Gia tăng thị trường liên quan cho các hộ kinh doanh nhỏ” của Bộ Thương mại.
“Chúng tôi ủng hộ hàng nội địa. Hiện, chúng tôi tích trữ nhiều sản phẩm trong nước tại các kho hàng của Makro để bán và nhiều sản phẩm đang rất phổ biến”, ông Odom chia sẻ.
Theo dữ liệu của Tổng cục Quản lý SME và Thủ công mỹ nghệ, thuộc MISTI, tính đến cuối năm 2019, Campuchia có tất cả 52,154 SME đăng ký chính thức, tổng sản lượng kinh tế của các SME đạt 2.6 tỷ USD trong năm vừa qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 13,690 SME đã phải đóng cửa, đa số là các doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá, thực phẩm và đồ uống.
Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)
FILI
|