Các quốc gia ký thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới với quy mô GDP 26.2 ngàn tỷ đô
Các quốc gia Đông Nam Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, đã ký thỏa thuận thương mại tự do khu vực lớn nhất trên thế giới, bao gồm gần 1/3 dân số và GDP thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam chủ trì. Nguồn: FT
|
Các quan chức hàng đầu từ 15 quốc gia đã ký thỏa thuận Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 sau gần 1 thập kỷ đàm phán và chuẩn bị. 15 quốc gia này bao gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 10 quốc gia thành viên của khối ASEAN.
“Việc hoàn tất đàm phán là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò của khối ASEAN trong việc củng cố hệ thống thương mại đa phương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trước buổi lễ ký kết thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ góp phần “phát triển chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy bởi dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ kinh tế phục hồi”.
RCEP
|
"Chúng tôi vui mừng chứng kiến việc ký Hiệp định RCEP, trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế cũng như đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân, việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chúng tôi trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ. Chúng tôi nhận thấy Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch COVID-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch", trích từ Tuyên bố chung.
Để thỏa thuận có hiệu lực, phải có ít nhất 6 quốc gia thuộc ASEAN và 3 quốc gia bên ngoài ký kết thông qua, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing nói với các phóng viên sau buổi lễ ký kết. Singapore dự định thông qua RCEP “trong vài tháng tới”, ông nói.
Những người ủng hộ RCEP – một thỏa thuận bao gồm 2.2 tỷ dân với GDP tổng là 26.2 ngàn tỷ USD – cho biết thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho các nền kinh tế đang suy yếu vì đại dịch bằng cách giảm thuế quan, củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc thương mại điện tử mới.
Những các lợi ích đáng chú ý của hiệp định bao gồm việc loại bỏ hàng rào thuế quan ít nhất 92% đối với hàng hóa trao đổi giữa các nước tham gia, cũng như các điều khoản mạnh mẽ hơn để giải quyết các biện pháp phi thuế quan và cải tiến trong các lĩnh vực như bảo vệ thông tin cá nhân và người tiêu dùng trực tuyến, minh bạch và giao dịch không cần giấy tờ, theo một tuyên bố do Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore đưa ra trong ngày Chủ nhật (15/11). RCEP cũng bao gồm sự đơn giản hóa các thủ tục hải quan, trong khi ít nhất 65% lĩnh vực dịch vụ sẽ mở cửa hoàn toàn với việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Để mở cánh cửa cho Ấn Độ
Bên cạnh đó, RCEP vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.
Trước đó, Ấn Độ đã tham gia vào thỏa thuận kể từ khi đàm phán bắt đầu trong năm 2013, nhưng cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận trong năm 2019. New Delhi chưa trở lại bàn đàm phán, mặc cho những nỗ lực kêu gọi từ phía Nhật Bản, giữa lúc thâm hụt thương mại của Ấn Độ phình to.
“Điều khoản cho phép Ấn Độ gia nhập vào thỏa thuận vào một ngày nào đó trong tương lai chỉ mang tính biểu tượng và cho thấy mong muốn của Trung Quốc để xây dựng cây cầu kinh tế với nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực”, Shaun Roache, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|