Nguy cơ mất trắng gần 50.000 tỷ đồng thuế
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tổng số tiền thuế nợ khó đòi tới hết tháng 9 do cả ngành Thuế và Hải quan quản lý là gần 50.000 tỷ đồng. Với các khoản nợ đã trên 10 năm, thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14, các cục Thuế, Hải quan trên cả nước đã đồng loạt rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng được xử lý để đảm bảo xóa nợ chính xác, đúng đối tượng.
Lực lượng Hải quan TPHCM kiểm tra tang vật gỗ nhập lậu qua cảng Cát Lái
|
Bỏ trốn nợ hơn 22 tỷ đồng
Liên tiếp thời gian gần đây, UBND TPHCM phải ban hành nhiều quyết định xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế cho nhiều công ty, doanh nghiệp (DN) từng đăng ký hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn thành phố này.
Gần đây nhất, DN có số nợ thuế XNK lớn nhất đang được Cục Hải quan TPHCM theo dõi, xin ý kiến xóa nợ là trường hợp Cty TNHH Sản xuất túi xốp Hoàn Cầu (gọi tắt Cty Túi xốp Hoàn Cầu, mã số thuế 0301482981, người đại diện pháp luật là ông La Huê Kiệt - Việt kiều Mỹ) với số nợ trên 22,3 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, DN trên kinh doanh hạt nhựa nguyên sinh để sản xuất bao bì túi xốp từ năm 2001 đến 17/10/2008. Trong thời gian từ 21/7-17/10/2008, Cty Túi xốp Hoàn Cầu mở tổng cộng 84 tờ khai hải quan tại 4 chi cục trực thuộc Cục Hải quan TPHCM. Thế nhưng, hết thời hạn 90 ngày ân hạn thuế, công ty không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Dù các chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan TPHCM nhiều lần gửi thông báo đôn đốc nhưng DN vẫn không nộp thuế. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của DN, được nhân viên của chính công ty này cho biết công ty đã đóng cửa, ngừng hoạt động từ đầu năm 2009, Giám đốc La Huê Kiệt đã bỏ về Mỹ. Toàn bộ tài sản của DN thế chấp ngân hàng cũng đã bị các ngân hàng tiếp quản để thu hồi nợ.
Sau khi xác minh, Cục Hải quan TPHCM có công văn gửi Công an TPHCM cung cấp thông tin đề nghị phối hợp truy tìm. Phía công an thông tin, ngày 2/1/2009, ông La Huê Kiệt đã bị khởi tố bị can đối về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 10/2/2009, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã đối với ông Kiệt do đối tượng bỏ trốn, chưa khởi tố tội trốn thuế đối với đại diện doanh nghiệp này.
Cục Hải quan TPHCM nhận định, hồ sơ nợ thuế của Cty Túi xốp Hoàn Cầu đã quá hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Các biện pháp cưỡng chế theo luật đã thực hiện như cưỡng chế dừng thủ tục hải quan, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng vẫn chưa thu hồi được nợ thuế của doanh nghiệp này.
“Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trường hợp nợ thuế nêu trên đáp ứng điều kiện xóa nợ theo quy định do đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Cục Hải quan TPHCM đã báo cáo Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ xem xét xóa số nợ thuế này”, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TPHCM cho biết.
Lập cả trụ sở kinh doanh trong khu vực quân sự
Tình trạng nợ thuế khó đòi như trên xảy ra ở hầu hết các cục hải quan, cục thuế địa phương trên cả nước. Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Hải quan TP Cần Thơ cũng có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị xem xét xóa 18,7 tỷ đồng tiền nợ thuế, tiền chậm nộp cho Cty TNHH Cơ khí Tổng hợp Tây Đô (Cty Cơ khí Tây Đô, mã số thuế 1800401098, trụ sở ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Lý do đề nghị xóa nợ được cục này đưa ra là khoản nợ thuế, tiền chậm nộp của Cty Cơ khí Tây Đô đến nay đã trên 17 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Cục phó Cục Hải quan TP Cần Thơ, đây là khoản nợ liên quan đến việc truy thu thuế nhập khẩu đối với bộ linh kiện xe 2 bánh gắn máy theo tỷ lệ nội địa hóa năm 2001.
Đáng chú ý, theo xác minh của Công an TP Cần Thơ, tài sản, trụ sở và nhà xưởng của công ty này tại địa chỉ đăng ký kinh doanh trước đây thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, hiện đã bán lại cho một tập đoàn tư nhân lớn. Do đó, Cục Hải quan TP Cần Thơ không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế tài sản này...
Trước thực trạng này, Cục Hải quan TP Cần Thơ chỉ có thể phối hợp với ngân hàng Eximbank - chi nhánh Cần Thơ trích toàn bộ số dư trên tài khoản tiền gửi của DN trên, thu được 4,4 tỷ đồng chuyển nộp ngân sách nhà nước (NSNN), thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo một lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để giải quyết tiền thuế nợ đọng của những trường hợp không còn khả năng nộp cho nhà nước đã tồn tại qua nhiều năm này, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 8 thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN. Ngay sau khi Nghị quyết 94 có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2020), các cục Thuế, Hải quan trên cả nước đã đồng loạt rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, từng đối tượng được xử lý để đảm bảo chính xác, đúng đối tượng.
“Phải xác minh chính xác, cụ thể địa điểm trụ sở DN nợ thuế có còn tồn tại ở nơi đã đăng ký không. Ngoài ra, cơ quan Thuế, Hải quan còn phải phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn như: Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư, khu dân cư, phường, xã để rà soát, xác minh cụ thể các rủi ro liên quan đến DN đóng trên địa bàn”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay.
Tính đến cuối tháng 9/2020, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi do ngành Thuế quản lý là 46.477 tỷ đồng và do ngành Hải quan quản lý là 1,7 nghìn tỷ đồng.
|
Tuấn Nguyễn
Tiền phong
|