Giảm 30% thuế TNDN: Chia sẻ khó khăn nhưng chưa thiết thực
‘Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.'
* Chính phủ quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội, theo đó doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng sẽ được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho kỳ tính thuế năm 2020.
Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc chi nhánh Bà Triệu, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam: “Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).”
Tạo động lực cho những công ty kinh doanh có lãi
Ông Tuyến phân tích về góc độ kinh tế, việc miễn giảm thuế này được cho là một trong những chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn COVID-19, bởi trong ngắn hạn việc này có thể gây áp lực lên thu ngân sách Nhà nước, ước tính giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên về trung dài hạn, việc làm này sẽ góp phần cho việc tăng doanh thu thuế ở các năm sau khi mà những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách có quá trình hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại khi nhận được sự hỗ trợ trên.
“Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận, việc giảm thuế sẽ giúp họ có thêm động lực phát triển đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lãi vay, hạ giá thành sản phẩm, các chi phí khác… qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người làm động,” ông Tuyến nói.
Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng những sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo tiền đề “cứu sống” cho hàng nghìn doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về tài chính do tác động bởi dịch COVID-19.
Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC nhấn mạnh Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, trong đó có gói chính sách giãn, giảm thuế.
“Song trên thực tế, gói chính sách hỗ trợ tác động đến doanh nghiệp chưa nhiều, bởi chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng từ chủ trương đến doanh nghiệp vẫn còn một khoảng cách. Thời gian qua, các gói vay ưu đãi giải ngân được chưa nhiều, trong khi có khoảng 70.000 doanh nghiệp và hộ doanh nghiệp đã phải tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa, kéo theo khoảng 31 triệu lao động đang không có việc làm, cho thấy sự ảnh hưởng ghê gớm của COVID-19 lên nền kinh tế,” ông Khanh nói.
Doanh thu dự báo sụt giảm 4,3% so với năm 2019
Theo báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, việc giao thương với các đối tác nước ngoài chính là những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm về doanh thu, đặc biệt tại các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề xuất khẩu, thương mại quốc tế, dịch vụ, du lịch…
Ông Tuyến cho biết, doanh thu các công ty niêm yết (ngoại trừ nhóm ngân hàng) sẽ bị sụt giảm đáng kể, dự báo giảm 4,3% so với năm 2019 và đây mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế được dự báo là giảm trên 20%.
“Nếu đúng như các dự báo về doanh thu và lợi nhuận ở trên, thì đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2012 - năm cuối cùng trong chu kỳ khủng hoảng kinh tế,” ông Tuyến nhận định.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp, ông Khanh cũng tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách. Ông Khanh cho rằng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp về ý tưởng thì rất tốt nhưng khi đi vào cuộc sống thực tế, doanh nghiệp được hưởng lợi chưa nhiều và điều này thực sự không phù hợp với các doanh nghiệp không có nguồn thu.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết: Chính phủ giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp là một biện pháp chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần dòng tiền, do đó nếu chính sách thuế cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
“Như doanh nghiệp của chúng tối, nếu doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng và được hoãn, chậm nộp thuế VAT 10% tương ứng 200 triệu đồng, thì điều này rất quý, đây chính là việc hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh doanh thu bị sụt giảm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19,” bà Thắm nói.
Ông Khanh nhấn mạnh hàng hóa không xuất được, doanh nghiệp không kinh doanh được sẽ không có cả tiền trả lương cho nhân viên, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang cần "sống" và họ chưa cần miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, chính sách kéo dài thời gian nộp thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ thiết thực hơn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh “cạn kiệt” dòng tiền.
“Bên cạnh đó, Chính phủ cần có sự đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, địa phương, mà đặc biệt cần quan tâm thực chất hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ đang quá khó khăn,” ông Khanh nói./.
Hạnh Nguyễn
vietnam+
|