Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), tài chính là ngành tiên phong trong việc áp dụng phương pháp sửa đổi làm dự thảo 1 luật sửa nhiều luật, 1 nghị định sửa nhiều nghị định, 1 thông tư sửa nhiều thông tư, triển khai hiện đại hoá, áp dụng phương pháp quản lý mới theo rủi ro.
Đây là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi nói về quá trình cải cách từ "đội sổ" lên "tiên phong" của ngành thuế trong thời gian qua.
Chuyển mình mạnh mẽ
Mọi việc không hề đơn giản nếu như năm 2006 chỉ số nộp thuế của Việt Nam trên bảng xếp hạng của World Bank là “đội sổ”, sau cả Lào, Campuchia thì đến nay, với việc tâm huyết thực hiện cho được từ khoá “cải cách”, ngành thuế đã “dũng cảm” đưa ra những tiêu chuẩn mới và quyết liệt thực hiện những mục tiêu rất cao đã đặt ra.
Bắt đầu hành trình cải cách “từ đội sổ tới tiên phong”, ngành thuế triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từ những nỗ lực bền bỉ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, đến các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi từ cộng đồng DN.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: VGP.
|
Chủ tịch VCCI nhận xét, “tôi lần đầu được chứng kiến một đơn vị cùng ngồi trao đổi, phối hợp với đại diện cộng đồng DN để điều chỉnh từng điều, từng thông tư, dự thảo Luật”…
“Đây rõ ràng là cách tiếp cận cách thức quản lý mới đáng trân trọng, giúp cho các DN, bao gồm cả các DN nhỏ thuận lợi trong việc chấp hành nghĩa vụ. Đây chính là một lý do cho đến nay chỉ số nộp thuế của Việt Nam không ngừng thăng hạng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đại diện VCCI kỳ vọng, trong thời gian tới, chính sách thuế của Việt Nam cần tiếp tục phát huy quan điểm về “nuôi dưỡng nguồn thu”.
“Khi DN khó khăn, đôi khi một khoản thuế có thể bị chậm, hay giảm đi trước mắt nhưng một khi các DN phục hồi, phát triển, có ý tuân thủ tốt thì sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn trong tương lai”, ông Lộc nói.
Dù ngành thuế đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thay đổi phương thức quản lý (tiền kiểm sang hậu kiểm), đẩy mạnh quản lý thuế theo rủi ro, từ đó hỗ trợ các DN ngày một tốt hơn.
Đại diện Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan bấm nút kích hoạt Hệ thống hỗ trợ thủ tục thuế qua Cổng điện tử Etax.Ảnh:VGP.
|
“Đối với cộng đồng DN, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngày càng tốt hơn và mong muốn cộng đồng DN tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho NSNN, góp phần vào việc xây dựng đất nước vững mạnh, văn minh, hiện đại”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
DN đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành thuế
Dù Vietnam Airlines có tên trong danh sách 30 DN nộp thuế tiêu biểu được tôn vinh mới đây, nhưng ông Dương Chí Thành, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines chia sẻ, chỉ tính năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, hãng phải ngừng bay, huỷ chuyển, bị lỗ nặng, và khó có thể đứng trong danh sách trên.
Ông Dương Chí Thành, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines. Ảnh:VGP.
|
Để có được kết quả đó, rõ ràng Tổng cục Thuế đã ghi nhận sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế và những đóng góp trong cả quá trình của Vietnam Airlines như một DN đóng thuế đầy đủ, khẩn trương. Riêng trong 5 năm gần đây (trước năm 2020), Vietnam Airlines luôn phát triển với tốc độ 2 con số, đã nộp khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Không chỉ ghi nhận sự chia sẻ đồng hành với DN của ngành thuế, đại diện Vietnam Airlines còn đánh giá cao việc hiện đại hoá, triển khai các hình thức hoá đơn điện tử và kỳ vọng ngành thuế tiếp tục thúc đẩy cải cách tạo thuận lợi cho DN, tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập quốc tế.
Đại diện DN trong lĩnh vực sữa, ông Lê Thành Liêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) (năm 2020 dự kiến sẽ nộp thuế hơn 5.200 tỷ đồng) đánh giá, quá trình suốt 30 năm qua ngành thuế đã đồng hành với DN nói chung và Vinamilk nói riêng. Công tác tuyên truyền hỗ trợ chính sách thuế được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau giúp DN có kiến thức, phục vụ công tác chấp hành nghĩa vụ thuế tốt hơn.
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế mà cụ thể hơn là việc áp dụng hệ thống khai, nộp thuế điện tử đã giúp Vinamilk có thể dễ dàng kiểm soát thông tin. Đặc biệt, gần đây việc áp dụng hoá đơn điện tử đã giúp DN rất nhiều trong chuỗi bán hàng, giúp DN có thể nhanh chóng kiểm soát chính xác doanh số, hằng năm tiết kiệm từ 4-5 tỷ đồng so với việc áp dụng hoá đơn giấy”, ông Lê Thành Liêm khẳng định.
Đại diện TOYTOTA Việt Nam. Ảnh:VGP.
|
Còn đại diện Công ty ô tô TOYOTA Việt Nam bày tỏ, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các chính sách kịp thời, bao gồm từ việc điều chỉnh các chính sách thuế, tài chính, phát triển nhân lực, xây dựng công nghiệp hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển của ngành ô tô, xe máy trong nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có chính sách giảm thuế trước bạ, đồng thời cơ quan thuế cũng triển khai các chính sách hoãn, giãn thuế, khuyến khích người dân tiêu dùng, góp phần làm thị trường “ấm lên”.
“Các chính sách về thuế, phát triển công nghiệp phụ trợ, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ thị trường phát triển là rất đáng ghi nhận và thật sự cảm động. Lãnh đạo TOYTOTA mong muốn Việt Nam có sự phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng để góp phần lưu thông hàng hoá giữa các khu vực, kể cả vùng sâu vùng xa”, đại diện TOYTOTA Việt Nam chia sẻ.