Thứ Bảy, 10/10/2020 09:40

Khi nhà đầu tư 'mua gì cũng thắng'

Thị trường chứng khoán đang trong những ngày mà nhà đầu tư “mua gì cũng thắng” bất kể cổ phiếu tốt xấu, thị giá cao/thấp, kết quả kinh doanh triển vọng hay thua lỗ.

Ảnh: TTXVN

Trên thị trường, giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng tăng đều. Nhóm công ty chứng khoán “dậy sóng”. Nhóm doanh nghiệp bất động sản cuối cùng cũng tăng giá. Thậm chí những công ty đang có vấn đề hoặc thua lỗ triền miên, thị giá 3.000 -6.000 đồng/cổ phiếu lại là phân khúc có giá cả bứt phá mạnh nhất, với tốc độ tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong vòng chưa đầy 3-4 tháng. Giờ đây thị giá cổ phiếu càng thấp càng được nhà đầu tư chú ý. Có lẽ không ít nhà đầu tư vẫn còn suy nghĩ “thị giá thấp là rẻ”, nên mua.

VN-Index đã vượt ngưỡng 910 điểm và chỉ còn thấp hơn cuối năm ngoái khoảng 5,8%, nhưng đa phần cổ phiếu thị giá thấp đã và đang vượt đỉnh của 12 tháng, hoặc 24 và 36 tháng. Đã có những cảnh báo từ một số công ty chứng khoán rằng thị trường sẽ đi lên chậm hơn, hoặc sẽ dừng lại để củng cố, với nhận định mặt bằng giá cổ phiếu đã khá cao so với trước đại dịch và chỉ số P/E chung đang là 15 lần.

Sở dĩ VN-Index chưa vượt mức cuối năm ngoái là do một số cổ phiếu blue-chips bị khối ngoại bán ròng mạnh như VNM, VJC, MSN, VIC, VHM, VCB… Theo dữ liệu của Hose, nếu không tính giao dịch thỏa thuận, khối ngoại đã bán ròng hơn 23.000 tỉ đồng cổ phiếu thông qua khớp lệnh trên ba sàn trong chín tháng đầu năm. Đây là con số rất đang suy ngẫm vì nước ngoài bán không chỉ vì họ cơ cấu danh mục đầu tư, mà còn vì họ nhận thấy đã đến thời điểm chốt lời.

“Thị trường bắt đầu tới giai đoạn lãi suất thấp quá, tiền rẻ nhiều, nên bị hướng theo các màn đầu cơ” - người đứng đầu một quỹ đầu tư nội nhận xét. Theo ông, “lãi suất thấp ở cả Việt Nam và thế giới, tiền in ra nhiều ở các quốc gia phát triển, nhất là Mỹ, đang tạo nên sự phi lý chưa từng có trên các kênh tài sản quốc tế.

Sự kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng có tiền lệ có thể tạo dựng những con sóng mà sự phi lý đến mức chúng ta chưa được chứng kiến”. Chứng khoán Mỹ đang dẫn dắt chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. VN-Index đang dao động bám sát chỉ số Dow Jones.

“Sự phi lý” - cụm từ mà nhà đầu tư trên sử dụng để đánh giá thị trường chứng khoán hiện nay -  lại được khá nhiều nhà đầu tư khác xem như “bình thường mới”. Liệu sự “bình thường mới” tồn tại trong bao lâu thì không ai biết cả. Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh ở mọi kỳ hạn, các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản đang tắc nghẽn, sản xuất kinh doanh chưa phục hồi và có thể cần thêm rất nhiều thời gian để khôi phục như du lịch, thì chứng khoán tiếp tục là vùng trũng hút tiền. Tiền sẽ vẫn chảy vào đây chừng nào mà Dow Jones còn lên điểm và lòng tham của nhà đầu tư vẫn thắng thế.

Thanh khoản thị trường đang ở mức ổn định cao nhất của nhiều năm qua, nếu không muốn nói là cao nhất kể từ khi thành lập sàn Hose. Các phiên giao dịch với giá trị khớp lệnh 7.000-7.500 tỉ đồng/ngày đã trở nên phổ biến. Trong cơ cấu nhà đầu tư, đang và đã xuất hiện nhiều tổ chức “thời vụ”. Họ là những doanh nghiệp mà tiền nhàn rỗi chưa biết bỏ vào đâu, nên mang ra đầu tư chứng khoán ngắn hạn.

Trong đợt tăng giá của cổ phiếu ngân hàng vừa qua, một số “ông chủ” ngân hàng đã tham gia đầu tư bằng chính nguồn vốn ủy thác của ngân hàng thông qua công ty chứng khoán, công ty sân sau. Một tỷ lệ nhất định trong số này đã nhanh chóng chốt lời, rút ra, song không phải tất cả. Họ vẫn còn kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng tiếp.

Chứng khoán đã biến động đến mức phi lý ở chiều thăng, liệu có sự điều chỉnh đến mức phi lý ở chiều trầm? Rủi ro không phải bây giờ mới xuất hiện ở phía trước, mà chúng đang được dồn nén như một cái lò xo kiểu mới. Dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở châu Âu và Mỹ với tốc độ lây nhiễm cao hơn nhiều. Việc các thành phố lớn có khả năng bị phong tỏa lần thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn hơn ba tuần...

Chứng khoán không chỉ đã tách rời khỏi nền kinh tế, mà nó đang phản ánh ngược với diễn biến kinh tế. Ở TPHCM, liệu có con đường nào mà hiện nay không có những căn nhà treo biển “Bán hoặc cho thuê”? Tâm lý vững chãi của nhà đầu tư chứng khoán hiện tại sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa? Chỉ đến khi thị trường đảo chiều chúng ta mới có thể biết rõ mà thôi. 

Thành Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Hàng triệu người trẻ Ấn Độ chơi chứng khoán để tăng thu nhập (06/10/2020)

>   Đằng sau cú sụt chớp nhoáng chiều 02/10 (06/10/2020)

>   Đầu tư chứng khoán có lãi không? (Kỳ 2) (09/10/2020)

>   TTA và bài học cay đắng khi đầu tư ăn theo ‘game lên sàn’ (02/10/2020)

>   Đầu tư chứng khoán có lãi không? (Kỳ 1) (30/09/2020)

>   Phát hành riêng lẻ có gì khác với phát hành ra công chúng? (10/10/2020)

>   Giới trẻ Hàn Quốc chơi chứng khoán để nhanh giàu (22/09/2020)

>   Bò - gấu đủng đỉnh (23/09/2020)

>   Đầu tư giá trị - một số điều cần lưu ý (09/09/2020)

>   Chứng khoán Việt không còn 'yếu bóng vía'? (08/09/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật