Bò - gấu đủng đỉnh
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), hai phe bò và gấu thường xuyên tranh đấu với nhau. Nhưng cũng có giai đoạn, chẳng hạn như một quý trở lại đây, bò và gấu lại sống chung nhà (thị trường đi ngang). Những lúc như vậy, nhà đầu tư ứng xử thế nào?
Bò - gấu sống chung, phản ứng của nhà đầu tư
Tháng 3/2020, VN-Index giảm điểm mạnh khi dịch Covid-19 lần đầu ập đến, đỉnh điểm xuống còn 662.26 điểm vào ngày 30/03 - thấp nhất năm nay. Sau đó, VN-Index tăng trở lại lên mức 900 điểm vào ngày 10/06. Tính ra, VN-Index lấy lại gần 36% những gì đã mất sau hơn 2 tháng.
Có nhiều yếu tố giúp VN-Index tăng vọt trong khoảng thời gian từ 30/03-10/06. Trong các tháng 3, 4, 5 và 6, số lượng tài khoản chứng khoán được mở mới trên 30,000 tài khoản mỗi tháng (năm 2019 phổ biến ở mức 15,000-20,000 tài khoản mỗi tháng).
Đặc điểm chung trong giai đoạn này là nhà đầu tư “đánh đâu thắng đó”, có người thậm chí “ăn bằng lần”. Có thể nói, đây là thị trường mua bán dựa trên cảm nhận của nhà đầu tư và tâm lý đám đông. Họ chỉ cần vài tín hiệu Chính phủ sẽ can thiệp trên diện rộng là đủ để cảm thấy lạc quan.
Từ ngày 10/06 đến nay, thị trường chỉ dao động trong phạm vi hẹp, tăng giảm đan xen, không có xu hướng rõ rệt. VN-Index biến động trong khoảng từ 785.17 điểm (ngày 27/07, thấp nhất giai đoạn này) - 903.97 điểm (ngày 03/09, cao nhất giai đoạn này). Thời cứ mua vào cổ phiếu là lời 5-10% sau 1-2 ngày đã qua, nhà đầu tư không còn đánh đâu thắng đó, nhiều người bị lỗ. Số lượng tài khoản chứng khoán được mở mới cũng giảm so với giai đoạn trước, chỉ trên 27,000 tài khoản vào tháng 7 và 28,600 tài khoản vào tháng 8.
Trong khi một số nhà đầu tư chờ đợi thị trường “sập” để mua vào cổ phiếu, số khác lại tìm kiếm cổ phiếu để đầu tư giá trị. Tuy nhiên, giai đoạn này, người mua bán ngắn hạn (trader) nhiều hơn nhà đầu tư dài hạn.
TTCK vẫn hấp dẫn?
Không ai có thể nói trước VN-Index sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới, bò hay gấu sẽ chiếm ưu thế trên TTCK, hoặc tiếp tục “sống chung nhà”? Việc nhận định thị trường bò hay gấu sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư cần nghiên cứu, phân tích tình hình thị trường nói chung cũng như cổ phiếu nói riêng trước khi đưa ra quyết định mua - bán.
Thị trường có thể khác đi khi số liệu kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp được công bố. Nhưng có lẽ, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, giá vàng biến động mạnh, bất động sản thì bị kẹp tiền...
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo không thể hồi phục theo hình chữ V. Tuy nhiên, TTCK không nhất định phản ánh nền kinh tế thực. Trong ngắn hạn, nó phản ánh dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư. Nói đến dòng tiền, chưa bao giờ người ta thấy các Chính phủ chịu chi tiền hỗ trợ nền kinh tế như lúc này, từ cắt giảm lãi suất, bơm tiền, đến chi tiền tươi để giúp nền kinh tế ổn định lại.
Tại công viên Bowling Green gần phố Wall (NewYork, Mỹ), có một tác phẩm điêu khắc bằng đồng nổi tiếng: Charing Bull, còn được gọi là Wall Street Bull hoặc Bowling Green Bull. Đó là tác phẩm điêu khắc con bò đực, biểu tượng của sự lạc quan và thịnh vượng tài chính. Đầu con bò hơi hạ xuống, cơ bắp xoắn nghiêng một bên, lỗ mũi nở với cặp sừng sắc nhọn như thể sẵn sàng cho một cú húc sấm sét. Đó là con thú đang tức giận và đầy nguy hiểm. Nhờ tác phẩm này của Arturo Di Modica mà công viên Bowling Green trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng ngàn người mỗi ngày, cũng như là hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của NewYork.
|
Bạn thường nghe nói đến cụm từ thị trường con gấu (bear market) hoặc thị trường con bò (bull market) để mô tả diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK). Nguồn gốc của thuật ngữ bò và gấu không thực sự rõ ràng, dưới đây là giải thích được chấp nhận rộng rãi nhất: Thị trường gấu và bò được đặt tên theo cách hai con vật này tấn công con mồi. Đặc điểm của bò khi tấn công là dùng sừng để húc lên (biểu tượng thị trường đi lên, giá cổ phiếu tăng). Trong khi đó, gấu dùng móng vuốt để tát xuống (biểu tượng thị trường đi xuống, giá cổ phiếu giảm).
Trong thị trường con bò, cầu mua cổ phiếu lớn hơn cung, gây áp lực cho giá cổ phiếu tăng; nhà đầu tư cảm thấy hứng thú và sẵn sàng tham gia thị trường với hy vọng thu lợi nhuận. Trong thời kỳ này, nền kinh tế thường tăng trưởng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp, người dân có nhiều tiền hơn để chi tiêu và sẵn sàng chi tiêu, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Ngược lại, trong thị trường con gấu, tâm lý sợ hãi và bi quan lan rộng khiến nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu nắm giữ, giá cổ phiếu càng giảm mạnh hơn. Thị trường con gấu xảy ra thường do dự đoán về sự suy giảm của nền kinh tế; nhà đầu tư không còn hứng thú và tìm cách rút vốn khỏi thị trường, chờ thị trường có những động thái tích cực hơn, việc này càng làm giá cổ phiếu giảm thêm và tiếp tục đẩy thị trường tụt dốc. Thị trường con gấu thường xuất hiện trong nền kinh tế yếu kém, tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao vì doanh nghiệp sa thải bớt nhân viên để giảm chi phí, lợi nhuận doanh nghiệp không cao do chi tiêu của người tiêu dùng giảm bớt.
|
Gia Nghi
FILI
|