Đầu tư chứng khoán có lãi không? (Kỳ 2)
Những người tìm đến chứng khoán có lẽ đều từng mơ về tương lai với khoản lợi nhuận khổng lồ mà đầu tư chứng khoán mang lại. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) không phải miền đất của những hy vọng hão huyền mà cần thực tế.
TTCK có là nơi làm giàu dễ dàng?
Phần lớn đến với chứng khoán sau chu kỳ thị trường tăng giá mạnh, được truyền thông liên tục ca ngợi, thường xuyên đón nhận thông tin về lợi nhuận hấp dẫn của nhà đầu tư nào đó… Thị trường liên tục tăng và hầu như ai cũng có lời ngay từ những giao dịch đầu tiên tạo nên ảo tưởng về một kênh kiếm tiền dễ dàng, không cần kiến thức, thời gian hay kinh nghiệm. Điều này rất nguy hại vì sớm hay muộn, nhà đầu tư sẽ phải trả giá.
Nhà đầu tư nghĩ lợi nhuận đầu tư chứng khoán lúc nào cũng cao có thể chưa từng trải qua những chu kỳ sụt giảm lớn của thị trường. Trong nhiều trường hợp, bảo toàn được vốn hoặc chỉ bị thiệt hại nhẹ đã là hạnh phúc. Kết quả tốt mà nhà đầu tư có được trong vài tháng, thậm chí vài năm, không đảm bảo sự thành công trong tương lai. Nhà đầu tư sẽ luôn nhận được những bài học mới khi tham gia thị trường.
Thực tế, đầu tư chứng khoán có rủi ro cao, không đảm bảo khả năng sinh lời đều đặn như gửi tiết kiệm ngân hàng. TTCK biến động theo chu kỳ, có tăng có giảm. Do đó, nhà đầu tư sẽ có giai đoạn lãi cao, lãi thấp, hòa vốn hoặc lỗ.
Đầu tư chứng khoán cũng như các kênh đầu tư khác, lời lỗ phụ thuộc vào nguồn vốn, kiến thức và kinh nghiệm của nhà đầu tư cũng như tình hình thị trường.
Với những ai làm doanh nghiệp, có thể biết được mức lợi nhuận trên tài sản từ 20-30%/năm là tỷ lệ đáng ngưỡng mộ. Chính vì vậy, nếu coi việc đầu tư vào cổ phiếu là đầu tư vào doanh nghiệp, có thể thấy dù có thể lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất, việc đánh bại được con số 20-30% là điều khó. Ở một số thời điểm nào đó, có thể tận dụng được sự đi lên của thị trường để đạt được mức lợi nhuận cao hơn nhưng về dài hạn, mức lợi nhuận sẽ tiệm cận con số 20-30%.
Trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư
Mặc dù thị trường có người thắng người thua nhưng nhà đầu tư có kiến thức, kỹ năng vẫn có thể kiếm lời từ TTCK.
Nhà đầu tư lâu năm tên P cho biết: “Tôi thường nắm giữ cổ phiếu khoảng 1 năm. Có năm, tôi lời 80% trên vốn, năm 20%, năm 30%. Khi thị trường đi xuống từ mức đỉnh lịch sử trên 1,200 điểm vào tháng 4/2018 thì danh mục của tôi bị lỗ tạm thời nhưng đến giữa năm 2019, danh mục này có lời 40%”. Theo chị P, để có lãi với TTCK, nhà đầu tư cần biết phân tích cơ bản (PTCB) và phân tích kỹ thuật (PTKT). PTCB giúp nhà đầu tư chọn lọc cổ phiếu. Trong khi đó, PTKT giúp nhà đầu tư có điểm mua tốt; dự đoán hướng đi của thị trường, cổ phiếu. Bản thân nhà đầu tư phải có kiến thức và kỹ năng phân tích cũng như trải nghiệm, những thông tin tư vấn hay chia sẻ của các chuyên gia chỉ để tham khảo. Để có thể đi chặng đường dài, việc phân bổ tỷ trọng tiền mặt và cổ phiếu, tỷ trọng giữa các cổ phiếu trong danh mục cũng quan trọng không kém việc chọn cổ phiếu. Ngoài ra, nhà đầu tư phải kiên nhẫn vượt trội vì chọn đúng cổ phiếu rồi, phải cho nó thời gian để tăng giá. Nếu bán sớm thì cơ hội sẽ trôi qua.
Trong khi đó, chị T, kiếm tiền từ lướt sóng chứng khoán, nói: “Trong thị trường có xu hướng tăng hoặc xu hướng đi ngang, tôi có thể kiếm được tiền từ lướt sóng chứng khoán. Nhưng muốn làm được điều nay, nhà đầu tư phải có kỹ năng PTKT và có phương pháp ổn định giúp kiếm lời từ việc lướt sóng. Theo tôi, chỉ số ít nhà đầu tư chuyên nghiệp có cái nhìn toàn cảnh và dài hạn mới có thể cảm nhận được các cơ hội đầu tư trong ngắn hạn”.
Nhà đầu tư dài hạn N, kiếm lời từ việc hưởng cổ tức khi mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, phát biểu: “Chọn cổ phiếu phải như chọn vợ/chồng, nghĩa là phải chung thủy, mua cổ phiếu xong thì nắm giữ, không bán tới bán lui”. Với chiến thuật này, nhà đầu tư phải canh mua vào cổ phiếu tốt với giá cực tốt.
Nhìn chung, với các nhà đầu tư nói trên, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư mang lại hiệu suất sinh lời trung bình cao, với điều kiện đi kèm là họ có kiến thức, biết PTCB, PTKT và đủ trải nghiệm.
Gia Nghi
FILI
>>> Đọc thêm:
Đầu tư chứng khoán có lãi không? (Kỳ 1)
|