Ngân hàng cảnh báo nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Gần đây, nhiều ngân hàng khuyến cáo khách hàng cẩn trọng và cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi với ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại.
Ngân hàng SCB vừa có khuyến cáo khách hàng về thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo mở thẻ tín dụng giả. SCB khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng và cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng, yêu cầu phải chuyển tiền/mất phí để mở thẻ tín dụng. Đồng thời, SCB khẳng định mở thẻ tín dụng tại SCB được thực hiện đầy đủ theo quy trình đảm bảo các bước chặt chẽ; và không yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản hay thu phí khi tư vấn mở thẻ tín dụng.
Thời gian qua, SCB phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của SCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng.
Các đối tượng này đã sử dụng thiết bị viễn thông, đa phương tiện như: Lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu SCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên SCB để tiếp thị, chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn, ví dụ như hạn mức lên đến 30 triệu đồng, miễn lãi suất trong 03 năm… Đồng thời, họ còn hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng khá chuyên nghiệp.
Khách hàng sẽ nhận được nội dung thông báo: “Khách hàng đã được SCB phê duyệt 01 khoản vay tín chấp hoặc 01 thẻ tín dụng”. Sau đó, các đối tượng gian lận chuyển 01 tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định (300 ngàn đồng trở lên). Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.
Thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, cố tình bắt chước logo và mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế và SCB, ví dụ: Mặt trước có tên và dãy số, mặt sau thẻ giả có ô mã vạch kèm những con số.
Các đối tượng lừa đảo gửi thẻ tín dụng giả qua đường bưu điện nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng.
|
Đồng thời, SCB cũng khẳng định không thực hiện nhận hồ sơ mở thẻ tín dụng qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc bất cứ trung gian nào.
SCB khẳng định, việc mở thẻ tín dụng tại SCB được thực hiện đầy đủ theo quy trình đảm bảo các bước chặt chẽ. SCB không yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản hay thu phí khi tư vấn mở thẻ tín dụng. Phí thường niên (nếu có) sẽ được ghi nhận khi khách hàng kích hoạt thẻ thành công và sẽ được thể hiện trên nội dung sao kê gửi đến khách hàng.
Trước đó, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cảnh báo về hành vi giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo. Một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên MB đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo phổ biến là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, yêu cầu nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp. Cuối cùng chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền…
Trong khi đó, Agribank lại cảnh báo khách hàng với các chiêu thức lừa đảo trực tuyến.
Phishing (Tấn công giả mạo) là hình thức tấn công mạng mà kẻ tấn công giả mạo thành một đơn vị uy tín (đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng) để lừa đảo người dùng cung cấp thông tin cá nhân cho chúng. Phương thức tấn công này thường được tin tặc thực hiện thông qua email và tin nhắn.
|
Agribank phát đi những khuyến cáo cảnh báo khách hàng trong các giao dịch điện tử, không được click và theo bất kỳ những tin nhắn hay quảng cáo trên mạng, cảnh báo những nguy cơ phát tán mã độc lừa đảo giao dịch ngân hàng từ các thông tin tuyên tuyền về dịch Covid-19. Theo Agribank, phương thức lừa đảo là phát tán mã độc thông qua thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh gửi tới khách hàng trên email, SMS, các ứng dụng mạng xã hội, hoặc lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng. Sau đó, các đối tượng lừa người dùng cung cấp thông tin để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Ngoài cách gửi thông tin về Covid-19, các đối tượng còn lừa người dùng cung cấp thông tin bằng “Phishing website link”. Các đường, tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch Covid-19, sau đó yêu cầu người dùng bấm chọn vào đường dẫn đính kèm trong mail. Khi truy cập vào đường dẫn, hoặc đơn giản chỉ bấm chọn mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin. Đối tượng còn yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thông qua các đường link, website giả mạo này, tội phạm mạng lấy cắp thông tin sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ ngân hàng thông báo khách hàng đã trúng thưởng theo chương trình của ngân hàng, hoặc khách hàng nhận được tiền từ nước ngoài về, rồi yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link giả mạo và cung cấp các thông tin về tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP (mật khẩu sử dụng một lần), thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận. Đối tượng lừa đảo còn sử dụng các chiêu thức lừa đảo nêu trên để yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng đánh cắp thông tin đăng nhập, mật khẩu, OTP, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Trường hợp của Ngân hàng Xây dựng (CB) là khuyến cáo khách hàng cảnh giác với chiêu trò lừa đảo phát hành thẻ. CB khuyến cáo khách hàng cẩn trọng, cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền, phí để mở thẻ; không nhận và sử dụng thẻ tín dụng giả mạo; không nạp, chuyển tiền cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ; không truy cập và thực hiện giao dịch mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email…
Techcombank lại khuyến nghị khách hàng chủ động tăng cường bảo mật thông tin ngân hàng cho thiết bị di dộng. Khuyến cáo được đưa ra trước thông tin cảnh báo việc người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đang có nguy cơ bị tin tặc tấn công, khi các ứng dụng độc hại có thể dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng qua hình thức giả mạo giao diện ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng.
Hàn Đông
FILI
|