Bị tố thu nợ kiểu 'xã hội đen', ngân hàng TPBank nói gì?
Khách hàng tố phía Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thu nợ kiểu “xã hội đen”, đe dọa, ép bàn giao tài sản sai quy định.
Cảnh nhân viên Ngân hàng TPBank ép khách hàng xuống xe (ảnh nhỏ) và chiếc xe khách BKS 17B - 013.53 của ông Phạm Đình Khang, Giám đốc Công ty CP Vận tải Hưng Hà.
|
Khách hàng "tố" ngân hàng thu nợ sai luật
Phản ánh tới chúng tôi, ông Phạm Đình Khang, Giám đốc Công ty CP Vận tải Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cho biết, năm 2016, ông có vay của TPBank Chi nhánh Hoàng Mai mua 1 xe ô tô để kinh doanh vận tải khách. Tài sản đảm bảo là 1 xe ô tô hiệu SAMCO BKS 17B-013.53.
Từ thời điểm vay mua xe đến hết tháng 2/2020, gia đình ông Khang luôn chấp hành trả nợ gốc lãi theo hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động vận tải khách của Công ty CP Vận tải Hưng Hà gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, ngày 10/3/2020, ông Khang đã gửi đơn đề nghị TP Bank - Chi nhánh Hoàng Mai hỗ trợ giãn nợ. Tuy nhiên, phía ngân hàng không chấp nhận và ông Khang đã vay người thân chuyển 23 triệu đồng trả nợ TPBank - Chi nhánh Hoàng Mai theo hợp đồng.
Bất ngờ, khoảng 16h ngày 3/7/2020, anh Phạm Đình Thảnh là lái xe BKS 17B-013.53 đang điều khiển xe di chuyển từ bến xe Gia Lâm về Hưng Hà, qua địa phận ngã ba Cầu Chui thuộc quận Long Biên (Hà Nội) thì xuất hiện khoảng 20 thanh niên như xã hội đen dùng xe máy chặn đầu và đuôi xe ô tô lại. Một số thanh niên nhảy lên xe, hô hét đuổi hành khách và bắt đầu chửi bới, dọa dẫm anh Thảnh và phụ xe, rồi ép anh Thảnh ký vào biên bản bàn giao xe đã được phía TPBank biên soạn sẵn.
“Tôi chỉ là người làm thuê, không có quyền bàn giao xe nhưng do bị đe dọa, tôi đã ký vào biên bản và giao xe”, anh Thảnh nói.
Ông Khang cho biết, từ khi có đơn xin đề nghị hỗ trợ, công ty không hề nhận được thông báo nào từ TP Bank cho đến khi các nhân viên của ngân hàng này chặn xe, đưa ra 3 thông báo thu hồi tài sản, rồi ép lái xe ký xác nhận bàn giao xe. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông đã vay mượn để trả toàn bộ số tiền còn nợ ngân hàng mong lấy xe về, tiếp tục hoạt động chở khách, nhưng phía ngân hàng không đồng ý mà yêu cầu hóa giá chiếc xe này.
TPBank: Ngân hàng tiến hành thu hồi nợ đúng quy định
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện TP Bank cho biết: Năm 2016, ông Phạm Đình Khang ký hợp đồng vay mua xe tại TPBank, thời hạn 05 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Khang đã vi phạm nghĩa vụ, thường xuyên chậm thanh toán, không thực hiện đúng các nội dung đã thỏa thuận với TPBank.
Lý do thu hồi tài sản là do ông Khang còn nợ 245 triệu đồng, chậm trả nợ kỳ 3 (85 ngày). Việc tiến hành thu hồi tài sản cũng đã được quy định rõ trong hợp đồng giao kết giữa ngân hàng và khách hàng.
Về việc chặn xe để thu hồi tài sản khi xe đang lưu thông, đại diện TP Bank cho biết, thời điểm thu hồi nợ, ngân hàng có thông báo cho công an phường đề nghị phối hợp. Khi thu hồi tài sản không có công an đi cùng nhưng quá trình này đã được Văn phòng Thừa Phát Lại Thủ đô chứng kiến và lập vi bằng.
Khi PV thắc mắc: “Tại sao ông Khang đã có đơn xin hỗ trợ giãn nợ vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng TP Bank không hỗ trợ mà lại siết nợ?”, đại diện TP Bank cho biết: “Nhân viên ngân hàng có nhắn tin, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp giấy tờ chứng minh kinh doanh bị sụt giảm. Tuy nhiên, khách hàng không cung cấp, vì vậy ngân hàng không có cơ sở để hỗ trợ”.
Về việc ông Khang khẳng định không nhận được bất cứ thông báo nào của ngân hàng về việc sẽ thu hồi nợ, đại diện TP Bank khẳng định, có gửi thông báo.
"Trước khi tiến hành việc thu giữ tài sản bảo đảm, TPBank đã thông báo/tống đạt tới ông Khang đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc tiến hành thu giữ đảm bảo tuân thủ Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của Tổ chức tín dụng; Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; thỏa thuận đã ký giữa TPBank và ông Khang. Sau khi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, TPBank đã mời ông Khang tới ngân hàng để thống nhất phương án xử lý, tuy nhiên, ông Khang không có mặt. TPBank sẽ tiếp tục xử lý khoản vay, xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật".
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, về mặt pháp lý, nếu một trong hai bên (bên thế chấp tài sản và ngân hàng) có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của mình thì phải khởi kiện tới tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu phía ngân hàng thắng kiện, bản án có hiệu lực pháp luật của toà án, tuyên bố ngân hàng được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì ngân hàng có quyền gửi đơn tới cơ quan thi hành án để yêu cầu cưỡng chế.
Ngân hàng, cán bộ ngân hàng không có chức năng thi hành án, kể cả phía ngân hàng có đưa ra biên bản có chữ ký của đại diện công an, UBND phường.
|
Phùng Đô - Việt Hòa
Báo Giao thông
|