Lãi suất từ nay đến cuối năm có thể tiếp tục giảm nhẹ
Đây là dự báo của các chuyên gia giữa lúc sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu cũng như một số ngân hàng đã có động thái tiếp tục giảm nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm vào đầu tháng 9.
Tại ngày điều chỉnh 15/08, BaoVetBank giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở hầu hết các kỳ hạn. Kỳ hạn 1 tháng, còn 3.5%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng còn 6.12%/năm và 6.15%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 7.22%/năm, trong khi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên còn 6.85%/năm.
SGB cũng giảm nhẹ 0.2 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại kỳ điều chỉnh 24/08. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng duy trì ở mức 6.4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là còn 6.8%/năm, kỳ hạn 24 tháng còn 7.2%/năm và 36 tháng là 6.6%/năm.
OCB cũng giảm 0.1-0.4 điểm phần trăm lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn tại kỳ điều chỉnh gần nhất (10/08). Hiện tại, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại quầy của OCB kỳ hạn 3 tháng là 4.25%/năm, 6 tháng là 6.1%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6.6%/năm.
Ngày 28/08 vừa qua, HDBank cũng giảm nhẹ 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống còn 3.8%/năm, từ 6-9 tháng là 6%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6.6%/năm.
Tại kỳ điều chỉnh 04/09, với số tiền dưới 300 triệu đồng, VPBank cũng giảm lãi suất hầu hết các kỳ hạn. Ở kỳ hạn 6 tháng còn 5.5%/tháng, 12 tháng còn 5.8%/tháng.
Tại các ngân hàng quốc doanh như Agibank, Vietcombank, VietinBank, BIDV có sự điều chỉnh đồng bộ lãi suất giảm xuống mức như nhau. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng là 3.5%/năm, 3 tháng là 3.8%/năm, 6 tháng là 4.4%/năm và 12 tháng là 6%/năm.
Như vậy, tính đến ngày 07/09/2020, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB trở thành ngân hàng dẫn đầu với lãi suất 7.5%/năm. Xếp sau đó là DongABank và NVB với lãi suất 7.4%/năm và 7.3%/năm.
Còn ở kỳ hạn 6 tháng, NVB vẫn có lãi suất cao nhất với 7.05%/năm, ngay sau đó là DongABank và BacABank với cùng mức 6.8%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 07/09/2020
|
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính dự báo, từ nay đến cuối năm tình hình lãi suất có thể sẽ tiếp tục giảm vì nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, các ngân hàng cho vay ra ít so với năm trước, trong khi huy động vẫn dồi dào. Trong tình hình thanh khoản của các ngân hàng tốt thế này họ không cần phải tăng lãi suất lên để hấp thụ vốn huy động. Việc giảm lãi suất là do tiền gửi vào vẫn đều đặn mà cho vay ra thì ít.
Thứ hai là do chủ trương của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu họ giảm lãi suất cho vay thì dĩ nhiên cũng phải giảm lãi suất huy động để giữ biên độ lợi nhuận.
Thứ ba là tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tình hình kinh tế thế giới ngày càng trở nên ảm đạm hơn. Mặc dù Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, nhưng 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng ở mức rất thấp 1.81%, thấp nhất trong 10 năm qua. Trong trường hợp như thế, không riêng gì Việt Nam, mà trên thế giới cũng đều sẽ chủ trương nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Thêm nữa, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong tình hình này nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất, nhu cầu vốn của họ cũng thấp, do đó họ không cần phải đi vay. Với nền kinh tế nhu cầu vốn thấp như thế này sẽ là động lực để đẩy lãi suất từ nay đến cuối năm đi xuống.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng dự báo lãi suất từ nay đến cuối năm có thể giảm tiếp, nhưng ở mức nhẹ, vì rõ ràng lãi suất hiện nay cũng đang ở mức tương đối thấp rồi, cơ bản là sức hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp còn yếu.
Cát Lam
FILI
|