Nâng bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng: Tạo niềm tin cho khách hàng
Nếu đa số người gửi tiền đã được bảo vệ toàn bộ trong phạm vi hạn mức, từ đó hạn chế nguy cơ người gửi tiền rút tiền hàng loạt khi có những biến động trong hoạt động ngân hàng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành là 75 triệu đồng mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Hạn mức này đã được áp dụng từ tháng 8/2017, sau 3 năm hạn mức này đã không còn phù hợp với tình hình thực tế.
Vì vậy, việc Chính phủ vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi và đề xuất tăng hạn mức này lên 125 triệu đồng với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân và các chuyên gia.
Tăng độ phù hợp với thông lệ quốc tế
Vào giữa năm 2017, với hạn mức 75 triệu đồng, số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ là 87,32%, tiệm cận với thông lệ quốc tế là trên 90% đồng thời với hạn mức mới, số tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ chiếm hơn 5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trên toàn hệ thống, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng, tới nay, các điều kiện kinh tế vĩ mô liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm như GDP bình quân đầu người, lạm phát, tỷ giá, lãi suất… có nhiều thay đổi. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về quy mô vốn cũng như tài sản, đảm bảo nhiệm vụ lưu thông vốn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Tình hình tiền gửi được bảo hiểm cũng đã có những thay đổi đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng, với mức điều chỉnh dự kiến từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng mỗi người gửi tiền được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang được đưa ra lấy ý kiến, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ tại Việt Nam sẽ đạt 90,94% nằm trong khoảng khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) từ 90-95%. Đây là mức độ bảo vệ phù hợp, khi năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể ứng phó khi có rủi ro, đồng thời chi trả kịp thời cho người gửi tiền nếu phát sinh nghĩa vụ chi trả.
Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế cũng sẽ gánh chịu áp lực lớn. Việc gia tăng hạn mức đạt thông lệ quốc tế ở thời điểm này mà không kèm theo việc tăng phí bảo hiểm tiền gửi sẽ là một nỗ lực của hệ thống ngân hàng cũng như tổ chức bảo hiểm tiền gửi để nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, đồng thời hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Được biết, từ khi chính sách bảo hiểm tiền gửi được triển khai tại Việt Nam, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã 3 lần được điều chỉnh tăng lên tùy từng thời kỳ.
Theo đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi ở mức 30 triệu đồng trong giai đoạn 1999-2005, hạn mức 50 triệu đồng trong giai đoạn 2005-2017 và hạn mức 75 triệu đồng từ năm 2017 đến nay.
Tăng niềm tin của người gửi tiền
Chị Trần Thu Thủy (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Tôi có khoản tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu nên vẫn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Nếu lần này Chính phủ nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng thì cũng là một sự trấn an về mặt tâm lý đối với khách hàng.”
Bà Trần Thị Thanh Tú-Chủ nhiệm Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ: Hạn mức 75 triệu đồng hiện nay ở Việt Nam không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, sự gia tăng thu nhập của người dân cũng như sự phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng. Khi mà nền kinh tế Việt Nam đang được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng, sẽ làm cho thu nhập dân cư ngày càng cao thì lượng tiền gửi của dân cư cũng tăng theo, đồng thời nhu cầu phải ổn định tâm lý người gửi tiền cũng cao hơn.
“Bên cạnh đó, hiện nay nhiều khách hàng đã có số tiền gửi lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng trở lên, bởi vậy cần nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm giúp tăng niềm tin của người gửi tiền đối với tổ chức tín dụng,” bà Tú nhấn mạnh.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, GDP bình quân đầu người của nước ta hiện là khoảng 75 triệu đồng/người (tương đương 2.700 USD). Quy mô tiền gửi của người dân đang tăng nhanh cả về tổng tiền gửi cũng như lượng tiền gửi trên mỗi người gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng, do đó hạn mức 75 triệu đồng đã không còn phù hợp. Khi xảy ra hiện tượng mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng, người gửi tiền chỉ được chi trả tối đa 75 triệu đồng là con số quá ít so với thu nhập bình quân đầu người ở nước ta.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh mặc dù được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, nhưng quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách bảo hiểm tiền gửi là nhằm mục đích bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, với hạn mức bảo hiểm tiền gửi 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% quỹ tín dụng nhân dân. Như vậy, người gửi tiền sẽ an tâm hơn khi gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần tăng huy động vốn, tạo điều kiện phát triển kinh tế đất nước./.
Thúy Hà
Vietnam+
|