Myanmar gia hạn các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong nước
Bộ Kế hoạch, Kinh tế và Công nghiệp Myanmar (MOPFI) hôm 07/09 ban hành Thông báo số 3/2020 về việc gia hạn áp dụng các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến hết tháng 12 năm nay, The Myanmar Times đưa tin.
Theo quyết định tại phiên họp điều phối của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống và điều trị Covid-19 diễn ra hôm 26/08, MOPFI cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng một số quy định và kéo dài thời hạn áp dụng các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đến cuối năm nay trong bối cảnh khủng khoảng Covid-19 vẫn đang diễn ra, gồm gia hạn miễn giảm thuế cho doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực ưu tiên từ ngày 30/09-31/12.
Theo thông báo mới này, thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) từ quý 2-4 của năm tài chính hiện tại (tính từ 01/10/2019 – 30/09/2020) sẽ được gia hạn đến 31/12. Thuế thương vụ hàng tháng từ tháng 3-11 cũng được gia hạn đến cuối tháng 12 năm nay.
Trước đây, theo Thông báo số 1/2020, MOPFI cho phép các doanh nghiệp ngành dệt may, công ty kinh doanh khách sạn và du lịch, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gia hạn nộp CIT và thuế thương vụ đến 30/09 mà không bị nộp phạt. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được giảm 2% thuế xuất khẩu đến 20/09 để có thể xoay sở dòng tiền mặt.
U Naung Naung Han, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Myanmar, hoan nghênh các giải pháp miễn giảm này của Chính phủ Myanmar, ông cho rằng việc nới lỏng nghĩa vụ thuế sẽ hữu ích cho các doanh nghiệp. Ông U Naung Naung Han cũng hối thúc Chính phủ xem xét thêm giải pháp giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn giảm bớt gánh nặng về tài chính.
Từ tháng 4, Chính phủ Myanmar áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên thông qua việc cho vay vốn lãi suất thấp (1%) với khoản vay 12 tháng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn vay do không đáp ứng yêu cầu về hồ sơ và một số lý do khác.
Động thái gia hạn hỗ trợ tài chính mới đây của Chính phủ Myanmar được đưa ra khi nước này đối mặt đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 và những lo lắng ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ.
U Min Thu, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tại Yangon, cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được vốn hỗ trợ của Chính phủ để tiếp tục hoạt động kể từ đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Giờ, đợt bùng phát thứ 2 lại xuất hiện, mọi thứ có lẽ tồi tệ hơn nếu dịch bệnh không được kiểm soát”.
Ông nói thêm: “Nhiều nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống khác có hoạt động kinh doanh tại nhiều tỉnh thành đã phải tạm dừng hoạt động và hầu như không thể xác định được khi nào sẽ hoạt động trở lại”.
Theo báo cáo của Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, tính đến ngày 10/09, nước này ghi nhận 2,150 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 14 ca tử vong và 625 ca phục hồi. Riêng ngày 10/09 ghi nhận thêm 261 ca nhiễm mới, số ca nhiễm ghi nhận trong ngày lớn nhất kể từ khi Myanmar có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hồi tháng 3. Myanmar hiện là nước thứ 6 có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất tại khu vực ASEAN.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|