Campuchia đối mặt thách thức về khả năng cạnh tranh
Môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi của các nước trong khu vực sẽ là thách thức đối với khả năng cạnh tranh của Campuchia, theo báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chính sách Phát triển Công nghiệp 3 năm (IDP), Khmer Times đưa tin.
Báo cáo cho biết trong khi khả năng cạnh tranh của Campuchia vốn đã bị hạn chế do chi phí sản xuất cao liên quan đến chi phí vận chuyển, tiền điện và mức lương tối thiểu tăng so với các nước láng giềng, việc các nước trong khu vực áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư, đặc biệt tại Thái Lan, Việt Nam và Myanmar, có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Campuchia trong khu vực.
Báo cáo cho biết: “Việc thực hiện IDP cũng đối mặt một số thách thức và rủi ro nên cần có sự tham gia của tất cả bên liên quan trong việc triển khai và thực hiện các kế hoạch hành động để thực hiện chính sách toàn diện và hiệu quả”.
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực, Chính phủ Campuchia đang phát triển và chuyển đổi tỉnh Sihanoukvill ven biển thành đặc khu kinh tế đa chức năng để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Chính phủ cho biết việc thực hiện biện pháp này cần cân nhắc kỹ lưỡng mọi phương diện của chính sách, tính pháp lý, bao gồm cả kế hoạch hoạt động ở cấp độ kỹ thuật và thực hiện các hoạt động hỗ trợ như thúc đẩy khả năng thu hút đầu tư, mở rộng và xúc tiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện môi trường pháp lý và phối hợp các chính sách hỗ trợ được đề ra trong IDP.
Hong Vannak, nhà nghiên cứu kinh doanh tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cho rằng cách thức mà một số quan chức Chính phủ thực hiện đã lạc hậu, trong khi tình trạng quan liêu và tham nhũng vẫn tồn tại. Ông nói: “Điều tôi muốn lưu ý là sự chồng chéo công việc giữa các bộ ngành làm cản trở cơ hội đầu tư. Và điều quan trọng nhất là áp dụng nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư bằng cách nới lỏng điều kiện kinh doanh và đưa ra các ưu đãi thuế - đây chính là việc mà các nước trong khu vực đã và đang thực hiện”.
Theo ông Vannak, trong khi Chính phủ thiết lập mô hình đặc khu kinh tế để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, việc thiếu nghiên cứu dữ liệu để vạch ra kế hoạch hoặc chiến lược rõ ràng cũng là rào cản cho các cơ hội đầu tư, khiến Campuchia tụt hậu so với các nước khác trong khu vực.
Chính phủ cho biết những thay đổi địa chính trị và sự bất ổn về triển vọng kinh tế và thương mại toàn cầu, bao gồm căng thẳng thương mại giữa các siêu cường quốc theo các nguyên tắc bảo hộ, cũng có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Campuchia.
“Việc Campuchia chuyển từ nước có thu nhập thấp thành nước có thu nhập trung bình thấp có thể khiến các đối tác phát triển thay đổi các điều khoản đồng tài trợ. Bên cạnh những thách thức chính đó, việc thực hiện chính sách trên cũng gặp một số khó khăn như hạn chế về phối hợp mang tính tổ chức và xây dựng năng lực, cũng như thiếu kinh phí và nguồn nhân lực để hỗ trợ một số biện pháp”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cho biết thêm, ổn định lâu dài là điều cơ bản đối với các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt đối với các công ty công nghệ. Cơ sở hạ tầng và tay nghề lao động hạn chế của quốc gia này khiến chi phí sản xuất cao hơn.
Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)
FILI
|