Myanmar cần sớm mở cửa lại du lịch nội địa
Myanmar cần sớm xem xét mở cửa lại các điểm du lich trong những tháng cuối năm để thu hút khách du lịch trong nước trong bối cảnh vắng bóng du khách nước ngoài, nhà chức trách thành phố Mandalay cho biết.
Ông U Kyaw Win, Chụ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mandalay (MRCCI) đồng thời là chủ công ty Sein and Mya Mattress Industry.
|
Mandalay, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc Myanmar, đã áp dụng các biện pháp phong tỏa hồi đầu năm để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 lây lan. Hạn chế đi lại và gián đoạn trong hoạt động thương mại đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp tại thành phố lớn thứ 2 của Myanmar.
Trong một buổi phỏng vấn độc quyền, U Kyaw Win, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Mandalay (MRCCI) đồng thời là chủ Công ty Sein and Mya Mattress Industry, đã có những chia sẻ với trang The Myanmar Times về tình hình kinh tế Vùng Mandalay trong bối cảnh đại dịch cũng như những thông tin liên quan đến gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp.
The Myanmar Times: Xin ông cho biết đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và kinh tế của Vùng Mandalay như thế nào?
Ông U Kyaw Win: Covid-19 đã gây ra những tổn thất đối với Vùng Mandalay. Một trong những vấn đề chính xuất phát từ lệnh cấm du lịch và hạn chế đi lại. Do tại đây có nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc nên việc hạn chế đi lại đã cản trở những người lao động nước ngoài chủ chốt, đặc biệt là những người nắm giữ trọng trách quản lý và kỹ thuật, đến làm việc tại đây.
Dù những hạn chế này chưa dẫn đến tình trạng sụp đổ của các doanh nghiệp nhưng một số công ty đã buộc phải tạm dừng hoạt động. So với các công ty lớn hoặc các công ty đa quốc gia thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nhưng rất may, hoạt động thương mại không bị gián đoạn đáng kể do Myanmar mới gánh chịu tác động của đại dịch vào cuối tháng 3, khi Trung Quốc đã phần nào có thể làm dịu tình hình dịch bệnh.
The Myanmar Times: Cuối tháng 4, Chính phủ Myanmar đã tung ra Kế hoạch Hỗ trợ Kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 (CERP) nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng vì sao nhiều doanh nghiệp không được hưởng khoản cho vay khẩn cấp này?
Ông U Kyaw Win: Không có nhiều doanh nghiệp được nhận khoản cho vay khẩn cấp này do chúng được nhắm đến 3 đối tượng doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và du lịch; các cơ sở sản xuất và các SME. Dựa trên tiêu chí này, chỉ có 417 đối tượng tại Mandalay đủ điều kiện được hưởng gói hỗ trợ.
Tổng mức vốn vay tối đa được Chính phủ xác định là 500 tỷ Kyat (khoảng 360 triệu USD). Với đa số doanh nghiệp nhỏ, mức hỗ trợ vốn vay quá nhỏ. Có hơn 90 trong số hơn 400 doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng chương trình này đã không nộp đơn xin hưởng do họ cảm thấy không cần đến.
Điều quan trọng hơn việc hỗ trợ các doanh nghiệp chính là hỗ trợ tài chính cho người lao động, đặc biệt là những người làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ.
The Myanmar Times: CERP gồm nhiều chính sách về thuế và tài chính cũng như cải cách môi trường kinh doanh. CERP hiệu quả như thế nào và Chính phủ cần có hành động nào khác để giúp các doanh nghiệp vượt qua cú sốc kinh tế này?
Ông U Kyaw Win: MRCCI nhận thấy được những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các chương trình ưu đãi của Chính phủ. Ngân hàng Trung ương đã nhiều lần cắt giảm lãi suất từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Lãi suất tiền gửi tối thiểu đã giảm về mức 5% và lãi suất cho vay không vượt quá 10% đối với những khoản vay có đảm bảo. Chúng tôi nghĩ mức lãi suất cho vay nên được giảm thêm nữa nhưng cũng hiểu được vì sao Chính phủ lo ngại về động thái này.
Nhiều doanh nghiệp tại Mandalay nhận thấy việc ưu tiên hàng đầu là khôi phục hoạt động kinh doanh và sản xuất để nhân viên của họ có thể đi làm trở lại.
Bên cạnh đó, ngành du lịch chịu tác động mạnh nhất. Sang năm tới, Myanmar chưa chắc sẽ mở cửa cho tất cả du khách nước ngoài nên việc cần làm là hỗ trợ thị trường trong nước. Chính phủ cần xem xét cho mở cửa lại chùa chiền, đền thờ và những địa điểm du lịch phổ biến khác để đón du khách trong nước nhằm hỗ trợ ngành nhà hàng và dịch vụ vượt qua khó khăn.
The Myanmar Times: Ông nhận xét thế nào về các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc tại Myanmar?
Ông U Kyaw Win: Là doanh nhân, tôi mong các dự án hoàn thành càng sớm càng tốt do chúng sẽ mang lại lợi ích cho phát triển Myanmar. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này phụ thuộc vào việc Chính phủ 2 nước – Myanmar và Trung Quốc – đàm phát và hợp tác ra sao.
Chúng tôi đã thấy được các nước Đông Nam Á khác hưởng lợi từ BRI, như các tuyến đường sắt đang được xây dựng. Thế nhưng, dường như Myanmar đang ở phía sau các nước khác về phương diện các dự án này. Nếu nhiều đề xuất được thực hiện, chúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Myanmar cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
The Myanmar Times: Xin cảm ơn ông!
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|