Thứ Tư, 23/09/2020 11:00

ACV - Tình hình chưa khả quan

Dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động kinh doanh của ngành hàng không gặp nhiều khó khăn thử thách. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề.

Ngàng hàng không bị tác động mạnh mẽ bởi Covid-19

Năm 2020 có thể được xem là năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không của Việt Nam. Số chuyến bay giảm, doanh thu giảm trong khi các doanh nghiệp hàng không vẫn phải tốn chi phí cố định để duy trì hoạt động, như chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên khác dẫn đến phần lớn các doanh nghiệp báo lỗ ròng.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 3.8 triệu lượt người, giảm 66.6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt 3.05 triệu lượt người, chiếm 80.26% tổng khách quốc tế đến Việt Nam và giảm 65.7%. Khách đến từ châu Á giảm 68.8%, khách đến từ châu Âu giảm 54.8%, khách đến từ châu Mỹ giảm 65.3%, khách đến từ châu Đại Dương giảm 65.4% và khách đến từ châu Phi giảm 59.8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam, Tổng cục Thống kê và VietstockFinance

Lùi ngày mở cửa các đường bay thương mại quốc tế

Theo Bộ Giao thông Vận tải từ 15/9/2020 sẽ mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đường bay đi Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Lào sẽ được tái khởi động từ ngày 22/9/2020.

Tuy nhiên, sáng ngày 15/9, các bộ ngành liên quan như Y tế, Quốc phòng và các địa phương vẫn đang trong quá trình hoàn thiện phương án, quy trình xét nghiệm và cách ly y tế đối với hành khách được phép nhập cảnh khi đường bay quốc tế khôi phục cho nên việc mở cửa đường bay chưa thể thực hiện ngay. Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, hàng loạt các đường bay quốc tế sẽ tái khởi động vào ngày 18/9 song chỉ đón khách một chiều từ Việt Nam đi.

ACV là ông lớn trong lĩnh vực cảng hàng không

Trong các năm qua, ngành hàng không dân dụng đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các cảng hàng không đã và đang được đầu tư nhằm nâng cấp hạ tầng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển. ACV hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa.

Trong năm nay ACV tiếp tục thực hiện các thủ tục để triển khai các bước tiếp theo của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục triển khai các dự án theo tiến độ kế hoạch như nhà ga hành khách T2 tại Cảng hàng không Phú Bài (Huế); nhà ga hành khách T3 của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 của Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài; các dự án cải tạo, mở rộng nhà ga quốc nội tại Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga hành khách T1 tại Đà Nẵng và nhà ga hành khách tại Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột, Pleiku.

Nguồn: ACV

Tích cực giảm nợ nhưng DER vẫn ở mức cao

Nhìn chung, hệ số DER (Debt to Equity Ratio) của ACV cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực (trừ Malaysia Airport Holdings Bhd, Japan Airport Terminal Co Ltd).

Điểm đáng mừng là chỉ số này đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây. ACV đã kéo tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu từ mức 56.79% năm 2016 xuống còn 40.81% vào cuối năm 2019. Với hệ số DER ở mức khoảng 40% thì cơ cấu vốn của ACV sẽ không khiến nhà đầu tư cảm thấy quá lo lắng.

Nguồn: VietstockFinance, Investing.com và TradingView

Kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong năm nay

Năm nay được xem là năm khó khăn của ngành hàng không, kết quả kinh doanh của ACV sụt giảm mạnh. Trong quý 2/2020, ACV ghi nhận quý có mức lỗ nặng nhất kể từ khi lên sàn. Mặc dù, công ty đã tăng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng lên hơn 33,368 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm; nhờ đó mang về gần 564 tỷ đồng lãi ngân hàng để bù đắp phần nào khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhưng quý 2/2020, ACV vẫn ghi nhận lỗ ròng hơn 354 tỷ đồng.

Xét lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, ACV ghi nhận doanh thu thuần đạt 4,681 tỷ giảm 47.46%, lợi nhuận ròng đạt 1,194 tỷ giảm 67.69% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung trong giai đoạn 2016-2019, kết quả hoạt động kinh doanh của ACV tăng trưởng khá ổn định. Tuy nhiên năm 2020 hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nguyên nhân chính là do sự tác động của dịch Covid-19.

Nguồn: VietstockFinance

Chiến lược đầu tư

Giá cổ phiếu ACV đã vượt lên trên các đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày vào đầu tháng 09/2020. Điều này chứng tỏ xu hướng dài hạn của ACV đã chuyển từ giảm sang tăng.

Chỉ báo Relative Strength cũng nằm trên đường trung bình chứng tỏ cổ phiếu này đang mạnh hơn (outperform) thị trường chung.

Nếu cổ phiếu có điều chỉnh thì nhà đầu tư có thể canh bắt đáy trong vùng giá hội tụ của trendline ngắn hạn, SMA 50 ngày và SMA 100 ngày (tương đương vùng 54,000-57,000).

Nguồn: VietstockUpdater

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   BFC - Ngành phân bón có thực sự hấp dẫn? (17/09/2020)

>   SBT - Còn nhiều nỗi lo (16/09/2020)

>   PVI - Chờ điều chỉnh để bắt đáy (10/09/2020)

>   DBC - Giá tăng nhiều nhưng không đắt (04/09/2020)

>   ACB - Cơ bản ổn định (01/09/2020)

>   TCL - Doanh nghiệp tốt nhưng giá cổ phiếu chưa “tốt” (28/08/2020)

>   QNS - Kết quả kinh doanh sẽ không có biến động lớn (25/08/2020)

>   DVN - Tiềm năng lớn nhưng chưa thể phát huy (21/08/2020)

>   PVT - Canh mua dưới mức 10,000 đồng (10/08/2020)

>   PC1 - Doanh nghiệp tốt nhưng giá cổ phiếu chưa đủ hấp dẫn (07/08/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật