Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách Abenomics
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức, trong bối cảnh nước này vẫn gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.
Kinh tế Nhật Bản đứng trước tương lai bấp bênh sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức. Ảnh: Bloomberg
|
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe từ chức, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo hãng tin Jiji Press, BOJ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp có thể để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp giữa lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nhật Bản sẽ sớm khống chế được dịch COVID-19.
Tháng 1/2013, BOJ đã đưa ra mục tiêu đạt tỷ lệ lạm phát 2% sau khi Thủ tướng Abe khẳng định nỗ lực đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Vào tháng 4/2013, ngay sau khi nhậm chức, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, người được Thủ tướng Abe bổ nhiệm, đã bắt đầu chương trình bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế như một phần quan trọng trong chính sách mới mang tên Abenomics của Thủ tướng Abe. Chính sách tiền tệ siêu lỏng này đã giúp giảm giá đồng yen và thúc đẩy sự gia tăng trên thị trường chứng khoán.
Ban đầu, Thống đốc Kuroda tin tưởng rằng với chính sách tiền tệ siêu lỏng đó, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ tăng lên mức 2% sau khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cho đến nay, BOJ vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Nhiều người lo ngại lạm phát khó có thể tăng trong thời gian tới do tác động của dịch COVID-19.
Cựu Giám đốc Điều hành BOJ Kazuo Monma, người hiện là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Mizuho, nhận định: “BOJ sẽ khó thay đổi chính sách tiền tệ của mình chí ít cho đến khi dịch COVID-19 được khống chế".
Trong khi đó, một quan chức BOJ khẳng định “bất cứ ai trở thành thủ tướng mới ở Nhật Bản cũng sẽ không ảnh hưởng tới chính sách của ngân hàng trung ương này”.
Vietnam+
|