Bộ Thương mại Mỹ điều chỉnh mức suy giảm của nền kinh tế quý II/2020
Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh ước tính suy giảm của nền kinh tế nước này trong quý II/2020 xuống 31,7% thay vì 32,9% trước đó, giữa lúc đang phải vật lộn với khủng hoảng COVID-19.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Long Beach, ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ cho hay mức độ tàn phá của dịch COVID-19 thấp hơn chút ít so với mức giảm kỷ lục được đưa ra vào cuối tháng Bảy. Tuy nhiên, đây vẫn là mức sụt giảm hàng quý tồi tệ nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ lưu trữ số liệu loại này bắt đầu vào năm 1947. Kỷ lục trước đó là mức giảm hàng năm 10% ghi nhận vào năm 1958.
Trong quý II, các doanh nghiệp đã phải đóng cửa và hàng triệu công nhân mất việc làm khi nền kinh tế lớn nhất thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nền kinh tế Mỹ đã giảm 5% trong ba tháng đầu năm khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện vào tháng Hai và tháng Ba.
Việc tuyển dụng đã tăng trở lại khi nhiều doanh nghiệp nối lại hoạt động cho thấy nền kinh tế bắt đầu phục hồi vào tháng Sáu. Số liệu GDP quý III ước tính sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng một sự phục hồi hoàn toàn của kinh tế Mỹ vẫn còn rất xa vời, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát và các biện pháp hỗ trợ tài chính của Chính phủ đã giảm dần hiệu quả.
Bà Lydia Boussour, nhà kinh tế cấp cao về thị trường Mỹ tại công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết khi sắp bước sang mùa Thu, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với 4 rủi ro. Đó là chưa có thêm các biện pháp kích thích tài khóa mới, làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trùng với mùa cúm, bất ổn bầu cử và căng thẳng thương mại gia tăng với Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức cao 10,2% và khoảng 1 triệu người đang nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần khi số tiền hỗ trợ mà họ nhận được đã giảm dần. Niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm. Mặc dù thị trường chứng khoán và doanh số bán nhà đang tăng mạnh, nhưng về tổng thể nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu đình trệ và hàng triệu người có thể phải đối mặt với việc bị mất nhà.
Theo chuyên gia Boussour, trong bối cảnh như vậy, nhiều hộ gia đình Mỹ đã tăng tiết kiệm và trả các khoản nợ. Điều này có thể báo hiệu sự lưỡng lự trong việc chi tiêu như đã từng xảy ra trước đây hoặc nhu cầu của người dân bị dồn nén có thể sẽ được "giải phóng" khi đại dịch kết thúc.
H. Thủy (Theo AP)
Bnews
|