Myanmar: Áp lực lạm phát dịu đi do nhu cầu tiêu dùng giảm
Chi tiêu tiêu dùng và nhu cầu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã đẩy lạm phát tại Myanmar xuống các mức thấp dần, theo báo cáo tháng 6 của Tổ chức Thống kê Trung ương (CSO), The Myanmar Times đưa tin.
Áp lực lạm phát tại Myanmar lần đầu thể hiện dấu hiệu giảm hồi tháng 3, sau khi nước này công bố các ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Sau đó, lạm phát tiếp tục giảm trong vòng 3 tháng qua và ghi nhận mức 7.9% trong tháng 6, giảm từ mức 8.3% hồi tháng 5.
Xu hướng lạm phát giảm tại Myanmar diễn ra tương tự những nước khác trên thế giới trong bối cảnh khủng khoảng y tế toàn cầu. Theo Nhà kinh tế Dr Zaw Oo, người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới cũng như tại Myanmar đang chi tiêu ít hơn do những hạn chế trong bối cảnh đại dịch. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đang giảm và điều này khiến lạm phát dịu hơn.
Trước khi đại dịch bùng phát, lạm phát tại Myanmar đã thể hiện xu hướng tăng đều đặn. Giá cả bắt đầu leo dốc hồi tháng 7 năm ngoái khi Chính phủ dừng trợ giá điện. Tăng giá điện và giá những nhu yếu phẩm khác như lương thực và dầu đã đẩy lạm phát tại Myanmar chạm mức cao 9.2% hồi tháng 2, tăng từ mức 8% trong tháng 7/2019.
Nhu cầu tiêu dùng kém khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số doanh nghiệp tại Myanmar phải đối mặt tình trạng sụt giảm doanh thu và thiếu dòng tiền mặt, dẫn đến giảm khả năng tiếp cận tín dụng cần thiết để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 14/08. Khảo sát cũng cho thấy 16% doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động trong khoảng thời gian trung bình 8 tuần do Covid-19.
Vì vậy, lạm phát tại Myanmar được dự báo sẽ giảm thêm nữa trong năm nay và duy trì quanh mức 6% đến năm tới, theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). ADB cũng dự báo tăng trưởng GDP của Myanmar có thể giảm từ mức 6.8% trong năm tài chính 2018-2019 còn 1.8% trong năm tài chính hiện tại. Trong khi đó, dự đoán của WB còn thảm khốc hơn, với GDP giảm còn chỉ 0.5% trong năm nay.
Tuy nhiên, nếu Myanmar kiểm soát được dịch bệnh trong nước và kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng, GDP nước này có thể nhanh chóng phục hồi trong năm tới, đạt 6% theo dự báo của ADB và 7.2% theo dự báo của WB.
Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)
FILI
|