Hiệp hội Giày dép Campuchia lại kiến nghị EU hoãn rút ưu đãi EBA
Hiệp hội Giày dép Campuchia (CFA) và nhiều đại diện lĩnh vực tư nhân trong nước lần nữa kiến nghị Liên minh châu Âu (EU) hoãn rút Thỏa thuận ưu đãi thương mại EBA – Everything But Arms (Mọi thứ trừ vũ khí) đối với Campuchia, do có đến 80,000 người lao động trong lĩnh vực này đứng trước nguy cơ mất việc làm, theo Khmer Times.
Trong một thông báo đăng trên Facebook đồng thời gửi đến EU, CFA cho biết đã có 40,000 người lao động trong lĩnh vực giày dép gánh chịu tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm nay. Với tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu đang tiếp diễn, nhu cầu toàn cầu sụt giảm và nếu EU chính thức rút một phần ưu đãi thương mại EBA dành cho Campuchia thì sẽ có thêm 40,000 lao động nữa trong ngành có nguy cơ mất việc.
EBA là chương trình ưu đãi thương mại đối với tất cả mặt hàng trừ vũ khí. Đây là chương trình ưu đãi mà EU dành cho các nước kém phát triển trên thế giới, trong đó có Campuchia, qua đó miễn thuế và miễn áp đặt hạn ngạch với các nước này. Tuy nhiên, tháng 2 năm nay, EU ra quyết định sẽ rút một phần ưu đãi này dành cho Campuchia do nước này bị cáo buộc vi phạm các vấn đề về nhân quyền và quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/08.
CFA nêu trong thông báo: “CFA rất lo lắng việc các thành viên sẽ phải gánh chịu thêm tác động khi quyết định của EU về rút ưu đãi thương mại EBA đối với 30% giá trị mặt hàng giày dép xuất khẩu sang EU chính thức có hiệu lực từ ngày 12/08”.
Phó Chủ tịch Tony Tung của CFA cho biết: “Dựa theo số lượng đơn hàng hiện tại cho nửa cuối năm, ngay cả trước thời điểm quyết định rút một phần ưu đãi EBA có hiệu lực, 70% nhà sản xuất thành viên của CFA đang chuẩn bị cắt giảm thêm nhân sự hoặc tạm ngưng sản xuất”.
Ông Tung nói thêm: “Hầu như 30% còn lại đã thực hiện việc cắt giảm và chỉ đưa ra dự đoán cắt giảm sản xuất. Nếu đại dịch được kiểm soát, chúng tôi có thể kỳ vọng xu hướng khôi phục dần bắt đầu diễn ra từ mùa hè năm tới. Trái lại, nếu đại dịch không được kiểm soát hiệu quả hoặc không sớm tìm ra vắc-xin, chúng tôi thật sự không dám nghĩ đến xu hướng tăng trưởng trong 2 năm tới”.
Theo ông Tung, đây cũng là lý do chính để CFA tiếp tục kiến nghị EU hoãn rút ưu đãi EBA theo đúng kế hoạch. Ông nói: “Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi và tình trạng sụt giảm nghiêm trọng trong ngành, Ủy ban châu Âu (EC) dường như đã quyết định phớt lờ thỉnh cầu của chúng tôi và tiếp tục thực hiện quyết định của họ”.
Đỗ Thảo (Theo Khmer Times)
FILI
|