Kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi theo hình chữ U hay W?
Với việc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát ở nước này từ đầu tháng Bảy, khả năng kinh tế Nhật Bản hồi phục theo hình chữ V gần như không thể xảy ra.
* Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách Abenomics
* Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức
Kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Sau khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản trong quý 2/2020, đa số các chuyên gia phân tích nhận định đà suy giảm tăng trưởng có thể đã chạm "đáy" và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ phục hồi trong các quý tới.
Tuy nhiên, với việc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát ở nước này từ đầu tháng Bảy, khả năng kinh tế Nhật Bản hồi phục theo hình chữ V gần như không thể xảy ra. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế này sẽ hồi phục theo hình chữ U hay W?
Nền kinh tế đã chạm "đáy"
Theo ước tính của Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 2/2020, GDP thực tế của nước này đã giảm tới 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do tác động của dịch COVID-19.
Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 17,8%, xảy ra vào quý 1/2009 sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra do sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào tháng 9/2008.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích đã dự báo quý 2/2020 sẽ là một trong những quý tồi tệ nhất đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này. Tuy nhiên, mức sụt giảm lên tới 27,8% đã khiến không ít người bất ngờ.
Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm mạnh như vậy là do dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp nước này, đồng thời khiến nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản áp dụng, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong thời gian từ ngày 7/4 đến 25/5, đã khiến nhiều hoạt động kinh tế-xã hội bị đình trệ, đồng thời tác động tiêu cực lên chi tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp hơn 50% vào GDP của nước này.
Trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu gặp khó khăn kể từ cuối năm 2018 do các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nền kinh tế này đã bắt đầu lao dốc sau khi Chính phủ nâng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào đầu tháng 10/2019.
Trong quý cuối của năm 2019, GDP thực tế của nước này đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2018. Sau đó, dịch COVID-19 bùng phát và đẩy Nhật Bản vào tình trạng suy thoái kinh tế với việc GDP thực tế giảm 3,4% trong quý I và 27,8% trong quý 2/2020.
Trong quý 2/2020, GDP thực tế đã giảm còn 485.000 tỷ yen (khoảng 4.570 tỷ USD), gần tương đương GDP hồi quý 2/2011.
Đây là lần đầu tiên trong vòng hơn 7 năm, GDP thực tế của Nhật Bản giảm xuống dưới ngưỡng 500.000 tỷ yen. So với quý 3/2019, thời điểm ngay trước khi Chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10%, GDP thực tế quý 2/2020 đã giảm tới 10%.
Tuy nhiên, giai đoạn tồi tệ nhất đối với nền kinh tế này có thể đã kết thúc. Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế Nhật Bản có thể đã chạm "đáy" vào tháng Năm và bắt đầu phục hồi từ quý 3/2020.
Sự phục hồi này bắt nguồn từ việc nhiều doanh nghiệp đã nối lại hoạt động sản xuất-kinh doanh và chi tiêu dùng cá nhân bắt đầu tăng trở lại sau khi Thủ tướng Abe dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng Năm.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh từ giữa tháng Bảy cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho ngành dịch vụ, nhất là các hãng hàng không và công ty lữ hành. Tuy nhiên, các quan ngại về việc làm và tiền lương vẫn còn tồn tại khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn.
Mô hình phục hồi nào cho nền kinh tế "xứ hoa anh đào"?
Mặc dù đa số các chuyên gia đều dự báo GDP của Nhật Bản sẽ tăng trở lại trong quý 3/2020, với mức tăng trưởng có thể lên tới 10% so với quý trước đó, nhưng họ đều nhất trí cho rằng đà phục hồi sẽ chậm lại trong quý 4/2020 và sau đó. Thậm chí, một số người còn cho rằng sự phục hồi này chỉ là tạm thời.
Vì vậy, khả năng kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục theo hình chữ V hầu như không thể xảy ra bất chấp các gói kích thích kinh tế “khủng” có tổng trị giá lên tới 233.900 tỷ yen và hàng loạt các biện pháp quyết liệt, trong đó có chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to Travel,” mà chính quyền của Thủ tướng Abe đã thực hiện để vực dậy nền kinh tế.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng quốc tế Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ông Takashi Miwa, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Nomura, nhận định việc nền kinh tế Nhật Bản hồi phục sau đợt sụt giảm mạnh là điều tự nhiên nhưng mức hồi phục sẽ khiêm tốn.
Tại thời điểm hiện nay, giới phân tích đang nghiêng về khả năng kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi theo hình chữ U.
Trong kịch bản này, GDP thực tế có thể sẽ chỉ quay lại mức trước khi đại dịch bùng phát sớm nhất là vào tài khóa 2022 (bắt đầu từ quý 2/2022). Nguyên nhân là do Nhật Bản đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời hậu chiến. Các biện pháp mà Chính phủ Nhật Bản đã triển khai để khống chế dịch bệnh đang tác động tiêu cực lên nhiều ngành và lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó hàng không và du lịch là hai ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Công ty Chứng khoán SMBC Nikko dự báo GDP của Nhật Bản sẽ phục hồi nhanh và tăng trưởng với mức 15,3% trong quý 3/2020, nhưng đà phục hồi sẽ chậm lại còn 9,7% trong quý 4/2020, chủ yếu do dịch bệnh tái bùng phát trở lại. GDP thực tế sẽ chỉ phục hồi lên mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2023.
Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ (MURC) lại có cái nhìn lạc quan hơn khi dự báo nền kinh tế này có thể đạt quy mô trước đại dịch vào tài khóa 2022.
MURC cho rằng do “tác động của Thế vận hội Olympic Tokyo (dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới) và sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đà phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục.”
Tuy nhiên, không thể loại trừ kịch bản xấu hơn là nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục theo hình chữ W. Điều này có nghĩa GDP sẽ lại sụt giảm sau một vài quý phục hồi và chỉ quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong một thời gian nhất định.
Kịch bản hình chữ W xảy ra khi bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ nhiều biện pháp hạn chế nhưng hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục xấu đi, dẫn tới tình trạng phá sản trên diện rộng và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do tác động của dịch COVID-19.
Theo Viện Nghiên cứu Đời sống Dai-ichi, nhiều khả năng giai đoạn phục hồi mạnh sau đợt bùng phát đầu tiên đã kết thúc trong quý 3/2020. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xấu đi, và sự sụt giảm về việc làm và mức lương sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do sự không chắc chắn về triển vọng tương lai. Viện nghiên cứu này dự báo GDP của Nhật Bản sẽ chỉ tăng trở lại mức trước đại dịch vào tài khóa 2024.
Giới phân tích nhận định kịch bản chữ W chắc chắn sẽ xảy ra nếu Thủ tướng Abe tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Mặc dù người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần khẳng định sẽ không tái ban bố tình trạng khẩn cấp, nhưng điều này không có nghĩa ông sẽ không làm như vậy nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng, dẫn tới sự quá tải của hệ thống y tế.
Ngoài ra, giới phân tích cũng không loại trừ khả năng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với kịch bản chữ L. Mô hình chữ L xuất hiện khi nền kinh tế này hầu như không thể bật dậy và gần như đi ngang sau khi phục hồi trong quý 3 và 4/2020. Tuy nhiên, viễn cảnh tồi tệ này sẽ chỉ xảy ra nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trên toàn cầu.
Sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào tháng 9/2008, Nhật Bản phải mất tới bốn năm để đưa nền kinh tế trở lại quy mô trước đó.
Cụ thể, trong quý 1/2009, GDP thực tế của Nhật Bản giảm tới 17,8% xuống còn 463.000 tỷ yen. Sau đó, GDP đã tăng lên gần 500.000 tỷ yen vào quý 3/2010 nhưng vào giữa tháng 3/2011, Nhật Bản lại phải hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần cùng với cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.
Do vậy, Nhật Bản chỉ đưa GDP trở lại mức 506.000 tỷ yen (của quý 1/2008) vào quý 2/2013. Nhiều người hy vọng những điều tồi tệ như vậy sẽ không lặp lại trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng sau khi Thủ tướng Abe từ chức do nền kinh tế nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19./.
Đào Tùng
Vietnam+
|