Công ty đa quốc gia lớn giúp ích thế nào cho doanh nghiệp trong nước?
Trong báo cáo mới nhất của chuỗi bài về dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới vào Việt Nam hậu Covid-19, nhóm chuyên gia kinh tế của VinaCapital đã đưa ra những phân tích về lợi ích mà các công ty đa quốc gia mang lại cho các doanh nghiệp trong nước.
Ông Don Lam, Sáng lập viên - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng các công ty đa quốc gia sẽ có ảnh hưởng đáng kể và rộng khắp đến doanh nghiệp trong nước.
Giải pháp mà các công ty nước ngoài có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước
Đầu tiên, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chọn ra một số doanh nghiệp trong nước để làm nhà cung cấp tiềm năng của họ.
Sau khi xác nhận các doanh nghiệp này có thể đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra, họ có thể trở thành đối tác chiến lược hoặc cho doanh nghiệp trong nước vay vốn để phát triển kinh doanh.
Các công ty đa quốc gia sẽ tập trung nâng cao chất lượng lao động ở các công ty trong nước theo các thông lệ quốc tế như hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM), lập kế hoạch tài chính và các lĩnh vực khác liên quan đến tối ưu hóa sản xuất.
Họ cũng sẽ thuê các công ty tư vấn để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước vận hành hiệu quả hơn và nâng cao công tác lập kế hoạch phát triển kinh doanh.
Vậy doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi thế nào?
Khi doanh nghiệp nước ngoài phát triển được chuỗi cung ứng tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng sẽ được hưởng lợi.
Đầu tiên là việc chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm. Nghiên cứu của Viện Brookings chỉ ra: “Công nghệ sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và thực tiễn làm việc sẽ được chuyển giao từ các công ty FDI sang các công ty trong nước”, nâng cao hiệu suất của lực lượng sản xuất tại địa phương.
Đổi lại, các doanh nghiệp địa phương sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để giành được những cơ hội hợp tác tiềm năng với khối doanh nghiệp FDI.
Những hình thức phát triển này đã sớm được hình thành, cả ở Trung Quốc và các quốc gia khác, từ những năm đầu Thế kỷ XX.
Xét về góc độ giữa các công ty với nhau, sẽ tồn tại mối liên kết phía sau giữa công ty đa quốc gia và nhà cung cấp trong nước, mối liên kết phía trước giữa các nhà cung cấp địa phương, và hiệu ứng lan tỏa theo chiều ngang giữa các công ty với nhau.
Nhưng yếu tố tiên quyết khiến hiệu ứng lan tỏa đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp địa phương chính là con người.
Người lao động trong nước làm việc tại các công ty nước ngoài và tích lũy nhiều kinh nghiệm có thể rời khỏi công ty sau khoảng 5 năm làm việc để mở công ty riêng và trở thành đối tác cung cấp của công ty nước ngoài mà họ từng làm việc hoặc đối thủ của các công ty này.
Nếu không thành lập công ty riêng, họ sẽ mang kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn chuyển qua làm việc cho các công ty trong nước với mức lương tốt hơn và được ưu ái hơn.
Đây cũng là thực tế đã xảy ra ở Trung Quốc giai đoạn trước đây, và VinaCapital tin rằng điều này cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam ở một cấp độ nhất định.
Chính phủ Việt Nam có thể làm gì để thúc đẩy lợi ích lan tỏa như trên?
Theo ông Don Lam, Chính phủ Việt Nam có thể tham khảo cách thức mà Chính phủ Singapore đã thực hiện hơn 30 năm về trước.
Trước đó, Singapore đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực sản xuất. Các Công ty đa quốc gia đang tìm cách đầu tư vào Singapore phát hiện 90% nhà cung cấp địa phương không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của họ, trong khi 80% không thể giao hàng như dự kiến. Để giải quyết vấn đề này, cũng như những tình huống phát sinh, Chính phủ Singapore đã thành lập chương trình nâng cấp công nghiệp quốc gia. Theo đó, Chính phủ và các công ty nước ngoài ngồi lại với nhau cùng tìm cách tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Theo đó, đã có nhiều chương trình hợp tác được thực hiện, giúp tăng hiệu suất của nhà cung ứng lên 17% vá giá trị gia tăng trên đầu công việc tăng 14%.
Trước đó, Ireland triển khai chương trình tương tự vào cuối những năm 1980s, đầu những năm 1990s, giúp tăng hiệu suất lên tới 36% và doanh thu tăng vọt tới 83%.
Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự, với những chiến lược được thiết kế phù hợp với môi trường và tình hình của Việt Nam.
Dịch bệnh bùng phát là nguyên nhân đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Dịch bệnh giúp các công ty đa quốc gia nhận ra sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc hoặc một quốc gia nhất định. Nhiều doanh nghiệp sẽ cân nhắc tới Việt Nam.
Nguồn vốn đầu tư mới từ những doanh nghiệp này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển kinh tế của quốc gia trong tương lai.
Chính phủ Việt Nam có thể tận dụng những thành tựu đạt được trong việc kiểm soát dịch bệnh để quảng bá đất nước như một điểm đến an toàn và hấp dẫn cho nhà đầu tư.
* Ông Don Lam: Làm thế nào thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam?
* Ông Don Lam: Vốn FDI vào Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng của xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa
Hàn Đông ghi
FILI
|