Thứ Năm, 09/07/2020 13:54

Trợ giá ngàn tỉ cho xe buýt là không đủ

Hôm nay, 9.7, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM.

"Ế" khách, doanh nghiệp xe buýt hoạt động ngày càng khó khănẢnh: Ngọc Dương

Trước đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) xe buýt trên địa bàn TP.HCM liên tục phản ánh với báo chí về tình hình hoạt động ngày càng khó khăn. Cụ thể, khoản chi phí trợ giá phân bổ về cho doanh nghiệp những tháng qua chỉ là tạm ứng nhỏ giọt ở mức khoảng 50% của đơn giá năm 2019, nhưng cũng chưa quyết toán. Tình hình kinh doanh quá khó khăn, để cố cầm cự, doanh nghiệp đã phải vay tiền ngân hàng để trả lương cho nhân viên cũng như thanh toán tiền xe cộ, nhiên liệu...

“Do khó khăn, nợ nhiều, một số đơn vị đã phải tạm dừng hoạt động, giảm chuyến. Nếu các cơ quan chức năng không giải quyết sớm, quan tâm và hỗ trợ thì chúng tôi chỉ có thể cố gắng cầm cự đến 15.8 tới là phải ngưng hoạt động”, đại diện 1 doanh nghiệp xe buýt thông tin.

Tăng trợ giá 161 tỉ đồng

Về việc phát sinh liên quan đến chậm triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định để thanh toán kinh phí trợ giá xe buýt cho các đơn vị vận tải trong năm 2019 đối với phần bổ sung dự toán trong 4 tháng cuối năm và triển khai công tác đặt hàng, đấu thầu năm 2020 vừa qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM lý giải là do quan điểm chưa thống nhất giữa Sở Tài chính và Sở GTVT trong công tác lập, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt, cũng như phải thực hiện theo đúng quy định.

Cụ thể, theo ông Hưng, trong năm 2019, tình hình kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của các HTX và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là việc tính toán trợ giá không đủ. Đơn cử, qua 1 năm hoạt động, sản lượng hành khách đi xe buýt là khoảng 5,6 triệu chuyến, trong khi đầu năm chỉ được tính 4,5 triệu chuyến, dẫn đến kinh phí trợ giá thấp hơn thực tế. Từ đây, kinh phí nhà nước cấp về thông qua Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng chuyển về các HTX, các công ty rất thấp, dẫn đến câu chuyện chủ doanh nghiệp, chủ HTX thu không đủ bù chi, càng chạy càng lỗ. Tương ứng, tài xế, tiếp viên xe buýt thu nhập thấp nên nhiều tâm tư.

"Trước Tết Nguyên đán 2020, khi đi thăm các HTX, ban cán sự Sở GTVT rất trăn trở, nhiều xã viên HTX gần đến tết không có tiền mà còn nợ ngân hàng mua xe, tiền nhiên liệu, trả lương cho lái xe, cho tiếp viên. Tuy nhiên do kinh phí cấp ít, chúng tôi cũng không có cách nào khắc phục. Từ đó, Sở quyết liệt đề xuất TP tính toán lại đầy đủ, chính xác hơn để bù cho sự thiếu hụt. Đến thời điểm này, Sở GTVT mới được cấp bổ sung khoản kinh phí thiếu hụt năm 2019 dẫn đến thanh toán chậm trễ cho doanh nghiệp, HTX. Trong vài ngày tới, các DN, HTX sẽ được bổ sung đầu đủ kinh phí trợ giá cho năm 2019" - vị này nói.

Tương tự, đối với dự toán chi ngân sách trợ giá năm 2020 được Sở Tài chính thẩm định trình UBND TP phê duyệt, giao dự toán cho Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng là 1.150 tỉ đồng, Sở GTVT TP tính toán vẫn chưa đủ.

Cụ thể, về sản lượng hành khách bình quân trên 1 chuyến, Sở Tài chính thẩm định là 44,5 hành khách/chuyến, tăng 50% so với thực tế thực hiện năm 2019. Con số này rất khó thực hiện, đặc biệt trong năm 2020, khi ngành vận tải chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19. Về số lượng chuyến xe hoạt động, Sở Tài chính dự kiến là 4,5 triệu chuyến xe/năm, tương ứng dự toán cho các tuyến xe buýt phổ thông là 956,5 tỉ đồng. Điều này là không thể thực hiện được trong điều kiện các yếu tố chi phí đều tăng, phương tiện đã được các đơn vị vận tải đầu tư thay thế mới. Các số liệu dự toán về doanh thu bình quân từ vé cũng chưa phù hợp tình hình thực tế, khiến Sở GTVT không thể triển khai đầu tư thay thế phương tiện mới đối với các tuyến phương tiện cũ, đồng thời phải tạm ngưng 1 số tuyến trợ giá, phá vỡ kế hoạch dự kiến mở mới 1 số tuyến kết nối các khu đô thị mới, khu dân cư...

"Sau khi được UBND TP thống nhất cho phép tính toán lại sản lượng hành khách theo tinh thần tính đúng, tính đủ, Sở GTVT TP đã đề xuất tăng thêm 161 tỉ đồng tiền trợ giá cho năm 2020 so với dự toán từ đầu năm để không tái diễn tình trạng như năm 2019. Song, do vẫn chưa chốt được con số nên Trung tâm giao thông công cộng chưa có cơ sở để ký hợp đồng với các HTX, doanh nghiệp xe buýt trong năm 2020. Vị này cũng dự báo có thể do vấn đề phân bổ ngân sách đầu năm không điều chỉnh và nếu có điều chỉnh, đến giai đoạn cuối năm mới được bổ sung nên giải ngân trợ giá năm nay chắc chắn có chậm trễ nhưng các đơn vị vận tải có thể chấp nhận được" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thông tin.

Sẽ đấu thầu khai thác các tuyến xe buýt

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho biết trong thời gian chờ Sở Tài chính thống nhất điều chỉnh dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020, đơn vị này sẽ xây dựng kế hoạch triển khai công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị đủ năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, tất cả các DN vận tải ngoài 12 HTX, DN hiện hữu, nếu có nhu cầu tham gia điều hành, hoạt động vận tải xe buýt đều có thể tham gia đấu thầu.

Cụ thể, trước mắt TP sẽ triển khai tổ chức đấu thầu đợt 1 trên 4 tuyến xe buýt có trợ giá (tuyến 1, 15, 65 và 152) theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới tại Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách thành phố. Hiện nay, Sở GTVT đang gửi Sở Tài chính thẩm định (lần 2) dự toán gói thầu theo quy định.

Số lượng các tuyến đấu thầu đợt 2 là 2 tuyến, đợt 3 có 15 tuyến, đợt 4 có 10 tuyến, đợt 5 là 9 tuyến và đợt 6 gồm 7 tuyến. Dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu cho 5 đợt đầu sẽ được tổ chức vào quý 3 năm nay. Riêng đợt 6 dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu vào quý 1.2021.

"Trong số các tuyến xe buýt được đưa ra đấu thầu, có rất nhiều tuyến dự kiến mở mới kết nối các tuyến metro hình thành trong tương lai, các khu đô thị mới, khu dân cư... Việc đấu thầu cũng được thực hiện với một số tiêu chí đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ cho xe buýt. Đơn cử thời gian là 5 năm, các phương tiện sẽ được mua mới... 4 tuyến xe buýt được đấu thầu trong đợt 1 sẽ phải áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ do các chuyên gia của ngân hàng thế giới đã nghiên cứu và yêu cầu. Trong quá trình thực hiện đấu thầu, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ thanh toán theo đúng chất lượng dịch vụ mà doanh nghiệp phải cung cấp như xe chạy đúng giờ hay không, có sạch sẽ hay không, có phục vụ người dân tốt hay không... Tất cả các tiêu chí sẽ được lược hóa bằng những điểm tính cụ thể thông qua các dữ liệu công nghệ thông tin đã thu thập được bằng hệ thống GPS" - vị này cho hay.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vẫn xa tít! (09/07/2020)

>   Xe buýt ngày càng 'thất thế' (09/07/2020)

>   Nghiêm cấm hãng hàng không bán vé không đúng slot được cấp (08/07/2020)

>   TP HCM được giữ nhiều ngân sách, Trung ương sẽ có thêm 345.000 tỷ (08/07/2020)

>   Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu trái cây Việt Nam (08/07/2020)

>   Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Bình Phước cần đón làn sóng đầu tư mới (08/07/2020)

>   Bộ Công Thương tính thêm phương án một giá điện (08/07/2020)

>   Vì sao đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất sửa chữa vào dịp cao điểm? (08/07/2020)

>   Lãnh đạo Tổng cục Thuế: Có công chức thuế biết sai nhưng cố tình vi phạm (08/07/2020)

>   Thủ tướng: 'Nơi nào không giải ngân vốn đầu tư công thì chuyển đơn vị khác' (08/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật