Thứ Sáu, 10/07/2020 08:48

Thiếu điện đã 'gõ cửa' từ năm nay

Sáng qua (9.7), Bộ Công thương tổ chức hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời (ĐMT) áp mái.

Năng lượng tái tạo đang đóng góp 3 tỉ kWh mỗi tháng, chiếm 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước. Ảnh: Thiện Nhân

Theo Bộ Công thương, giai đoạn sau 2020 - 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện vẫn tăng trưởng cao ở mức từ 7,5 - 8% mỗi năm.

“Điều này gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện; nguồn nhiên liệu than, khí cũng đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu; bên cạnh đó nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân...”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết. Còn theo tính toán của EVN thì hiện tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo mới đạt gần 60.000 MW. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm VN cần bổ sung thêm 5.000 MW các loại.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, bổ sung: “Trong giai đoạn tới, trung bình mỗi năm phải đưa vào 6.000 - 7.000 MW mới đủ nhu cầu tiêu thụ điện của toàn xã hội”.

Năng lượng tái tạo đang đóng góp 3 tỉ kWh mỗi tháng, chiếm 10% công suất và 6% sản lượng thương phẩm cả nước. Theo Bộ Công thương, từ khi có chính sách khuyến khích phát triển ĐMT và điện gió, ngành điện đã thu hút được 4.500 MW nối lưới, khuyến khích người dân lắp đặt được khoảng 500 MW ĐMT mái nhà và trên 400 MW điện gió đang vận hành. Đồng thời hiện cũng đã có khoảng gần 3.000 MW ĐMT, 2.000 MW điện gió đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay và năm 2021.

Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, ĐMT áp mái còn một số hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt khu vực miền Trung và miền Nam. Chuyên gia năng lượng tái tạo Trần Văn Bình cho rằng vì Covid-19, xã hội tạm ngưng sản xuất nhiều, nên vấn đề thiếu điện chưa bị báo động, chứ thực tế thiếu điện đã “gõ cửa” từ năm nay, không chờ đến sang năm. “Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư ĐMT áp mái của ngành điện là đúng. Song chiến lược này cần có sự hỗ trợ song song của ngành tài chính vì đầu tư làm điện tái tạo chi phí cao, thời gian thu lại rất lâu”, ông Bình cho biết bên lề hội thảo.

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững VN, cho rằng chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng điện tái tạo của Chính phủ và Bộ Chính trị đã rõ ràng rồi. Giai đoạn vừa qua, khó khăn là ĐMT không có đường tải, nhiều nhà máy không phát điện hết. Ông nói: “Rõ ràng việc đầu tư ồ ạt hay không không phải lỗi của năng lượng tái tạo mà do chúng ta quy hoạch trước đó quá ưu tiên nhiệt điện than, không đưa vào điện tái tạo. Thế nên, cần đưa vào quy hoạch ưu tiên năng lượng tái tạo là vậy. Thứ hai, nếu để tư nhân đầu tư đường dây cao áp 500 kV là sai luật Điện lực, vì theo luật, riêng đường dây cao áp vẫn phải nhà nước độc quyền vận tải, quản lý... Thế nên, cách linh hoạt nên để EVN làm việc với nhà đầu tư tư nhân làm truyền tải điện. Về lâu dài, muốn ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phải có luật về năng lượng tái tạo và quy hoạch rõ ràng”.

Nguyên Nga

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhật 'mách nhau' gì về lao động Việt Nam? (10/07/2020)

>   Điện mặt trời áp mái phát triển mạnh nửa đầu năm (10/07/2020)

>   Trợ giá ngàn tỉ cho xe buýt là không đủ (09/07/2020)

>   Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vẫn xa tít! (09/07/2020)

>   Xe buýt ngày càng 'thất thế' (09/07/2020)

>   Nghiêm cấm hãng hàng không bán vé không đúng slot được cấp (08/07/2020)

>   TP HCM được giữ nhiều ngân sách, Trung ương sẽ có thêm 345.000 tỷ (08/07/2020)

>   Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu trái cây Việt Nam (08/07/2020)

>   Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Bình Phước cần đón làn sóng đầu tư mới (08/07/2020)

>   Bộ Công Thương tính thêm phương án một giá điện (08/07/2020)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật